Có nhiều khi ta tự hỏi vì sao có những người có nhiều may mắn thành công? khi gặp họ ta sẽ thấy họ là những người luôn giúp đỡ người khác thành công
Đây không phải là điều dễ hiểu và ai cũng tự nhận là mình làm được, nhưng để thật sâu từ trong đáy lòng mình, nếu soi sét cho kỹ ta vẫn luôn có một nỗi niềm đố kỵ khi thấy sự thành công của người khác.
Trước khi dạy trẻ, tự chúng ta phải thật lòng rèn luyện mình. Hãy làm sao khi bạn nghe người khác kể về thành công của con họ, bạn cũng sẽ thật lòng vui mừng như khi chính con bạn thành công vậy. Chỉ khi đó chính chúng ta mới có thể dạy cho con mình.
Nếu bỏ công ra thực thành tâm hoan hỷ trước thành công, bạn sẽ nhận ra mình trải qua từng giai đoạn sau:
1/ Khi thấy người thành công, ta nhận ra tâm mình còn đố kỵ, rồi sau đó tự ám thị là "mình phải vui vẻ với thành công của họ".
2/ Ban đầu, thời gian từ khi ta khởi tâm đố kỵ tới lúc ta nhận ra còn dài, nhưng dần để ý luyện tập, khoảng thời gian này sẽ rút ngắn lại.
3/ Sẽ tới lúc, tâm đố kỵ và tâm hoan hỷ xảy ra đồng thời, ta nhận thấy cả hai tâm, rồi ta buông tâm đố kỵ và nhận lấy tâm hoan hỷ.
4/ Rồi sau giai đoạn đấu tranh nội tâm, là tới lúc chúng ta tập mở ra những lời chúc mừng thật lòng. Khi nói những câu chúc mừng, hãy vừa ngay đó xét xem tâm mình có còn đố kỵ không.
5/ Rồi sẽ qua rất lâu lâu nữa, ta mới thật lòng hoàn toàn thấy lòng bình an, hạnh phúc và vui cho sự thành công của người.
Nếu khó vậy ta sẽ tập cho trẻ bằng cách nào?
Tập cho trẻ biết chia sẽ, giúp đỡ bạn bè từ những việc nhỏ nhất như nhường đồ ăn hay hướng bài cho bạn. Đây sẽ là bước cơ bản để trẻ nhận ra niềm vui hạnh phúc của người khác cũng là của mình.
Ta cũng phải loại bỏ tâm ganh tỵ, ta phải dạy trẻ không phải mình luôn đứng nhất thì mới là điều đáng tự hào, mà là vẫn cố gắng hết mình nhưng vui vẻ khi thấy người khác hơn mình. Chúng ta cũng đừng tỏ ra buồn bã khi trẻ thua sút bạn bè mà so sánh trẻ với "con nhà người ta". Những so sánh như vậy thật sự đều không tốt cho tâm lý của trẻ.
Khi trẻ kể cho ta nghe về những người bạn học tốt trong lớp. Ta hãy dạy trẻ biết đến chúc mừng chia vui với bạn một cách thật lòng. Hãy đặt câu hỏi cho trẻ "theo con, bản thân con có thể giúp gì để bạn có thể thành công hơn nữa".
Nhưng hãy thật khéo léo để trẻ làm việc này thật lòng vì lòng thương yêu, đừng cho trẻ biết là hãy làm vậy rồi con sẽ may mắn. Làm như vậy sẽ phản tác dụng vì ta đã dạy trẻ dối lòng.
Nhưng trong thực tế điều này giúp gì cho cuộc đời trẻ?
Khi đã gieo nhân thật lòng, quả sẽ tự nhiên đến với trẻ là khi ra đi làm sẽ luôn gặp những người tử tế sẵn lòng giúp đỡ, sẵn lòng chia sẻ để trẻ được thành công.
Nhưng nếu bạn đọc nhiều sách thậm chí của các tác giả nước ngoài về người thành công, họ luôn có đặc điểm là không bao giờ nhìn vào thành công của người khác mà ghen tỵ. Cũng chính vì vậy mà khi nỗ lực họ không bi sao nhãng, không làm chỉ vì hơn người kế bên mà chỉ làm vì điều tốt nhất cho mọi người. Đây chính là bí quyết tạo nên một sự thành công bền vững.
Tác giả bài viết: Giáo Dục Sáng Tạo - Be Ready Education Australia
Credit: Bộ Tranh Nhân Quả của công ty Pháp Quang