Luật Nhân Quả

  • Thời gian

    18 thg 9, 2023

  • Lượt xem

    326 lượt xem


Luật nhân quả là một phép tắc là định luật sắt của vũ trụ, được quy định theo sự hoạt động tự nhiên của vũ trụ, để...

1127-luat-nhan-qua

Luật Nhân Quả

Luật nhân quả không phải do con người quy chế hay một đấng nào lập ra, mà chính do các “hành” hoạt động theo sự vận hành vô minh tự nhiên của bản chất vạn vật mà lập thành.

Từ khi có các hành vận chuyển trong vũ trụ, tạo thành những duyên mới, những duyên mới này phối hợp với các duyên khác sanh ra duyên mới khác nữa, và cứ như thế tiếp tục mãi mãi.

Sự tiếp tục vận hành này chính là nguồn gốc sanh ra vạn vật.

Khi có vạn vật xuất hiện lại tiếp tục vận hành tạo thành một môi trường sống, môi trường sống phù hợp cho loài sinh vật nào thì loài sinh vật ấy xuất hiện. Mãi đến khi môi trường sống phù hợp với loài người thì loài người mới xuất hiện.

Khi có loài người xuất hiện mới biết phân định các hành ra làm hai phần:

  1. Hành thiện
  2. Hành ác.

Nhưng con người cổ sơ chỉ biết thiện, ác, nhân quả, mà chưa phân định luật nhân quả như thế nào đúng và như thế nào sai.

Luật Nhân Quả

Mãi đến khi Đức Thích Ca Mâu Ni xuất hiện, tính từ ngày sinh của Ngài cho đến ngày nay 2565 năm. Ngài ra đời phân định được luật nhân quả đúng và sai. Từ đó, giáo lý của Ngài, nền đạo đức nhân bản – nhân quả trở thành chân lý của loài người (Đạo Đế).

Nếu thân, miệng, ý của chúng ta hành động thiện, thì đó là sự hoạt động đem lại sự no ấm, an ổn, yên vui, hạnh phúc cho sự sống của mình và của vạn vật sinh linh trên hành tinh này, gọi là “nhân thiện”. Nếu thân, miệng, ý của chúng ta hành động ác, thì đó là sự hoạt động đem lại sự bất công, bất an, đau khổ.. cho sự sống của chúng ta và của vạn vật, gọi là “nhân ác”.

Bây giờ, chúng ta đã hiểu rõ được nhân thiện và nhân ác qua những hành động thân, miệng, ý của chúng ta.

Vậy nhân quả là gì?

Nhân quả theo chữ Hán có nghĩa là hạt giống và bông trái. Ở đây chúng ta nên hiểu nghĩa nhân quả là hành động và kết quả của hành động. Ví dụ nếu chúng ta lấy một hạt cam gieo trồng xuống đất, hạt cam lên thành cây cam, cây cam lớn lên cho ta những quả cam ngọt, đó là nhân và quả của cây cam. Nếu ta lấy một hạt chanh đem ươm trồng, hạt chanh lên thành cây và cho những trái chanh chua, đó là nhân và quả của cây chanh. Hai ví dụ trên cho chúng ta thấy nhân nào thì quả nấy, hạt cam sẽ cho trái cam ngọt,hạt chanh sẽ cho trái chanh chua. Hành động của chúng ta cũng vậy, nếu hành động ác là nhân ác, kết quả của hành động ác thì chúng ta sẽ phải thọ chịu quả khổ đau, như chúng tôi đã nói ở trên.

Luật Nhân Quả

Ngược lại, hành động thiện sẽ mang đến hạnh phúc, an vui cho chúng ta.

Ðể làm sáng tỏ luật nhân quả, chúng tôi xin lập lại: Nếu chúng ta làm một điều ác, thì kết quả sẽ đem đến không những cho chúng ta, mà còn cho nhiều người khác những sự khổ đau, phiền muộn, tức giận, hận thù, oán ghét, tạo ra nhiều điều tội lỗi.v.v... Nếu chúng ta làm một điều thiện, thì kết quả sẽ mang đến không những cho chúng ta, mà còn cho nhiều người khác sự an vui, hạnh phúc.

Do hành động chúng ta làm ra, thì chúng ta phải chịu lấy trách nhiệm về hành động đó nên gọi là Luật.

Ở đây, không có một Đấng Tạo Hóa, một ông Ngọc Hoàng, Thượng Đế, hay bất cứ một con người nào chế ra định luật nhân quả này, để bắt buộc chúng ta phải thi hành. Luật nhân quả không có người thi hành bắt bớ, phạt vạ hoặc giam cầm tù tội ai cả, nhưng nó phán xét rất công minh và xử phạt rất công lý theo tòa án lương tâm của mỗi người.

Vì thế, luật nhân quả rất công bằng, không thiên vị một ai. “Ai làm ác thì phải gặt lấy quả khổ đau”, khi thời tiết nhân duyên đến. Luật nhân quả này không có một người nào bắt buộc chúng ta thi hành được, mà chỉ có sự khổ đau và sự an vui của chúng ta mới bắt buộc chúng ta phải thi hành nó. Bởi vì, con người ai cũng muốn sống an vui, hạnh phúc, chứ không có ai muốn sống khổ đau baogiờ. Vì thế, chúng ta tự bắt buộc chúng ta làm thiện, sống thiện để sống được an vui, hạnh phúc.

Chính vì vậy, chúng ta mới thấy được lòng người sợ khổ, ưa vui. Còn nếu ngược lại,chúng ta không làm thiện, không sống thiện, thì sự an vui, hạnh phúc sẽ không đạt thành,và vì vậy chúng ta phải sống khổ đau. Luật mà không có ai có quyền thi hành, bắt buộc phạt vạ mình, mà mình phải chịusự trừng phạt của luật ấy rất công minh chánh trực, như trên chúng tôi đã nói:“Luật nhân quả là một phép tắc được quy định theo sự hoạt động tự nhiên của vũ trụ, để quân bình trật tự an toàn của các hành tinh trong không gian”. Vì thế, luật nhân quả là một đạo luật của vũ trụ được đặt ra để quân bình trật tự vạn vật trong vũ trụ.

Ba nơi xuất phát của Luật Nhân Quả

Một người muốn sống đúng Luật Nhân Qủa thì phải đề cao cảnh giác ba nơi trong thân của chúng ta:

  1. Ý thức
  2. Miệng
  3. Thân

Ba nơi này thường xuất pháp luật nhân quả. Đó là ba nơi hoạt động trên cơ thể của con người, quyết định được sự khổ, vui của đồi người.

Ý thức gồm có ba hành động ác gốc:

  1. Tham, tức là lòng ham muốn
  2. Sân, tức là lòng giận hơn.
  3. Si, tức là tâm mê mờ, không hiểu biết, không sáng suốt.

Miệng lưỡi gồm có bốn hành động ác gốc:

  1. Nói lời không thật
  2. Nói lời hung dữ
  3. Nói lời thêm bớt
  4. Nói lời lật lọng

Thân gồm có ba hành động ác gốc:

  1. Giết hại chúng sanh, ăn thịt chúng sanh.
  2. Trộm cắp, cướp giựt của người khác.
  3. Dâm dục.

Từ những hành động ác gốc này sanh ra vô lượng hành động ác khác, và cứ thế tiếp diễn mãi mãi nên gọi là các pháp trùng trùng duyên khởi và trùng trùng duyên sanh.

Luật Nhân Quả

Sinh khởi theo ác pháp nên khiến cho sự sống trên hành tinh bất an như: thiên tai, động đất, lũ lụt, bão tố, hỏa hoạn, chiến tranh, mưa không thuận, gió khônghòa, sâu rầy phá hoại mùa màng.v.v.

Ví dụ: “Nhân” do con người tham sắc dục, tham rượu chè, tham ăn thịt chúng sanh thì “quả” sẽ có chiến tranh, bằng chứng lịch sử loài người đã xác định và chứng minh điều này. Thời đại nào nhà vua ham mê tửu sắc, hoang dâm vô độ thì đất nước ấy sẽ có chiến tranh. Vua là người lãnh đạo mà còn ham mê tửu sắc thì nhân dân nước đó cũng không có khác gì. Vì thế đất nước đó sẽ bị ngoại xâm cho nên muốn xâm chiếm một nước nào thì nên quan sát nhân dân nước đó, thấy nhân dân nước đó ham mê cờ bạc, rượu chè, thịt cá và sắc dục thì biết nước đó suy yếu và đánh chiếm rất dễ dàng.

“Quả” lũ lụt, bão tố, hỏa hoạn là do “nhân” con người tham lam chặt phá, đốt rừng, săn bắn chim, thú hoặc lưới chài cá, tôm…

Lời bàn

Trên đây chúng tôi nêu lên một vài ví dụ, để các bạn suy ngẫm và để nhận thấy rõ con người do sống thiếu đạo đức mà tự tạo ra nhân quả thiện ác. Để rồi phải tự mình gánh chịu sự khổ đau ấy, chứ không phải là một sự ngẫu nhiên trùng hợp hoặc có một vị Thánh, Thần nào làm ra chiến tranh, lũ lụt, bão tố, hỏa hoạn… Đó là sự bất an do luật nhân quả tác động, chi phối mọi loài vật trên các hành tinh trong vũ trụ, không riêng gì ở hành tinh trái đất của chúng ta còn còn ở các hành tinh khác. Cho nên, luật nhân quả là một đạo luật chung trong vũ trụ, xử phạt phân minh không thiên vị một ai.


Tổng số đánh giá: 0

Xếp hạng: 5 / 5 sao

Cùng chủ đề