“ Thoáng nhìn Tổ Bá Trượng đã biết đây không phải là người bình thường trong khi ông già chầm chậm tiến về phía tổ. Những đệ tử khác đều ra ngoài khi buổi giảng đã xong.
– Ông là ai? Tổ hỏi.
– Bạch Hòa Thượng, con không phải là người. Nguyên đời Đức Phật Ca Diếp con là tăng. Có một đệ tử hỏi con "Bậc đại tu hành có còn bị Nhân Quả chi phối hay không?”
– Con đáp: "không bị Nhân Quả chi phối!" (Bất lạc Nhân Quả)
– Thế là từ đó con đọa làm thân chồn đến nay đã năm trăm đời. Không biết chỗ sai ở đâu, con xin Hòa Thượng đáp lại cho đúng, để con thoát được thân chồn.
Tổ Bá Trượng bảo:
– Bây giờ ông hỏi lại ta.
– Bạch Hòa Thượng, bậc đại tu hành có còn bị Nhân Quả chi phối hay không?
Tổ bảo:
– Không còn mơ hồ về Nhân Quả! (Bất muội Nhân Quả)
Ngay câu nói ông già liền đại ngộ, thưa:
– Thế là từ nay con thoát được thân chồn, dám xin Hòa Thượng lấy theo lễ Tăng chết tống táng cho con.
Nói rồi ông già biến mất. Tổ Bá Trượng sai bạch kiền chùy bảo chúng sau giờ ngọ trai sẽ đưa đám một vị tăng. Tăng chúng đều ngạc nhiên vì thấy không ai chết, nhà bệnh không ai nằm.
Sau giờ thọ trai, Tổ dẫn chúng tăng vòng qua sau núi đến một chiếc hang, lấy gậy bới ra xác một con chồn đem về làm lễ trà tỳ.”
Lúc được hỏi câu đó, ông già đang làm một vị tăng thời Đức Phật Ca Diếp, có được định lực khá vững, nhưng trong cái định đó ông chưa thấy được đường đi của Nhân Quả nên trả lời theo chỗ thấy của mình, không ngờ phạm một sai lầm quá nặng. Toàn bộ giáo lý của Phật đều dựng trên nền tảng Nhân Quả, dù là thế gian, hay bồ tát đạo. Phủ nhận Nhân Quả tức là phủ nhận toàn bộ Phật pháp, và quả báo của tội lỗi đó là bị đọa làm thân chồn năm trăm đời. Đến lúc tội đã mỏng, phước làm Tăng lúc trước khởi dậy, ông găp Tổ Bá Trượng hạ một chuyển ngữ phá tan cái định không ngơ của ông từ năm trăm đời trước, khiến ông nhận ra Bản thể trí tuệ sáng suốt hằng hiện hữu. Trí tuệ sẵn có này tuy rất thanh tịnh, nhưng chẳng phải là hư vô, trái lại rất tinh tế nhỏ nhiệm, bao hàm trùm khắp, biết rõ từng tác động và hậu quả của nghiệp không chút lầm lẫn. Nếu cứu cánh cùng tột của sự tu hành chỉ đưa đến không ngơ như cây đá thì đạo Phật quả là tai hại! Nhưng sự thật không phải thế, cứu cánh cùng tột của đạo Phật là nhận ra Bản thể sẵn có, đầy đủ trí tuệ, đầy đủ từ bi, đầy dủ hoạt dụng, nhưng vắng bóng phiền não khổ đau, không một sự trói buộc nào còn tồn tại. Đó đích thật là sự làm chủ cho chính mình, không bị tham sân si chi phối thúc đẩy tạo nghiệp khổ đau, chỉ sống và làm vì lợi ích cho những chúng sinh khác.
Đối với đạo Phật, chúng sinh có ba mục đích cần nhắm đến:
Một là sống trong luân hồi bớt khổ đau, có phước báo cõi trời cõi người.
Hai là thoát khỏi luân hồi, chấm dứt sanh tử, có được Niết Bàn an vui.
Ba là giáo hóa cho chúng sinh cùng được thành tựu trí tuệ giải thoát, gọi là hành đạo Bồ Tát.
Tuy nhiên muốn thành tựu mục đích thì phải biết Nhân Quả, biết nhân nào sẽ thành tựu được mục đích này. Lý Nhân Quả là nền tảng của Đạo Phật, nếu chưa hiểu biết thâm sâu về lý Nhân Quả tức là chưa hiểu đạo Phật và chưa thực hành đúng đạo Phật.
Con người sinh ra đã không đồng nhau trên mọi phương diện như giàu nghèo, mạnh yếu, trí ngu, dòng tộc, gia đình...Những thăng trầm may rủi trên đường mưu sinh lại càng muôn trùng sai khác. Nguyên nhân của sự bất đồng đó quá sâu kín, vượt khỏi tầm hiểu biết của người thường và họ đã dựng lên Thượng đế, quy tất cả cho Thượng đế như là một đấng sáng tạo để che dấu sự mơ hồ của mình. Họ ngủ yên nơi niềm tin đó, thỏa mãn với sự tin tưởng đó, vẽ vời và truyền bá thêm quan niệm đó cho con cháu họ. Từ nay con người trở thành kẻ nô lệ cho chính một thần linh mà họ dựng lên. Thật vậy, chính con người đã sáng tạo nên Thượng đế, nhưng lại bảo Thượng đế sáng tạo con người (Men created God but said that God had created men). Chỉ có chân lý mới cứu vớt con người khỏi sự sai lầm này, phục hồi lại quyền làm chủ cho con người để tự họ quyết định cuộc đời họ theo ý muốn. Chân lý đó chính là luật Nhân Quả Nghiệp báo giúp người thoát khỏi hai quan niệm sai lầm về nhân sinh và vũ trụ, một cho Thượng đế định liệu, hai cho mọi việc ngẫu nhiên. Những sự kiện gần gũi quanh cuộc sống đều có nguyên nhân xa gần của nó, chỉ vì không thấy được những nguyên nhân mà một số người kết luận vội vàng là ngẫu nhiên. Cũng như quan niệm thiên mệnh, quan niệm vạn vật ngẫu nhiên cũng là biểu lộ sự dễ dãi nơi tri thức của con người mà những người chín chắn kinh nghiệm không bao giờ vấp phải.
Tuy nhiên, vì luật Nhân Quả chi phối qua nhiều kiếp sống quá khứ đến đời sống hiện tại và kéo dài mãi đến đời sống vị lai nên cặp mắt của con người còn nhiều loạn động trong tâm thức không thể nào thấy được. Có những hiện tượng tái sinh được nhiều người biết đến, được báo chí đăng tải trên thế giới khi một người nhớ đến đời sống quá khứ của mình và những người có trách nhiệm đã kiểm chứng thấy là đúng khiến nhiều người mơ hồ chấp nhận có nhiều kiếp luân hồi. Những người chỉ tin vào khoa học thì yên lặng chờ đợi sự chứng minh của khoa học rồi mới tin có luân hồi từ đời sống này sang đời sống khác. Nhưng khoa học thì phải tiến bộ dần dần qua nhiều thế kỷ. Có những điều lúc trước chưa được khám phá, nhưng đã được khám phá thời gian sau đó và chắc hẳn là tương lai về sau khoa học còn khám phá thêm những điều mà bây giờ con người chưa biết đến.
Các nhà khoa học đã cố gắng giải thích về tâm lý và sinh lý của những đứa trẻ khi mà nó hoàn toàn không giống gì với môi trường chung quanh của nó. Trong gia đình những người con khác nhau đến kỳ lạ về tài năng và tính khí. Rồi những thần đồng học một biết một ngàn hay chưa học đã biết. Những hiện tượng đó vẫn còn là bí mật khi người ta chỉ cố gắng tìm hiểu bằng tâm suy nghĩ lăng xăng của mình.
Thượng đế ư? Lỗi thời quá!
Ngẫu nhiên ư? Dễ dải quá!
Di truyền ư? Khập khiểng quá!
Phải chăng con người đã mang những khuynh hướng, những tình cảm, năng khiếu từ đời sống quá khứ theo đến đời sống hiện tại và tiếp tục gánh hành trang của đời sống này đi về đời sống ở vị lai? Tại sao người em say mê nghiên cứu khoa học trong khi người anh chỉ thả hồn theo tiếng nhạc du dương? Tại sao người cha kỹ lưỡng chi li trong khi người con thờ ơ hời hợt? Tại sao cả cha mẹ đều là giáo sư dạy sinh vật ở trường Đại học Tổng hợp trong khi người con duy nhất của họ không thể nào nhai nổi môn học chán ngấy này? Có đời sống trước đời sống này chăng, có sự luân hồi thay đổi từ kiếp sống này sang kiếp sống khác chăng, và nếu có thì làm sao biết được, hay phải chấp nhận điều này bằng niềm tin? Chúng ta đã chán ngán cái niềm tin không trí tuệ này quá rồi, bây giờ nếu có phải tin, xin cho chúng ta một niềm tin sau khi đã suy xét bằng trí tuệ.
Nếu chúng ta không chấp nhận có đời sống quá khứ tức là cũng không chấp nhận có đời sống vị lai. Đời sống hiện tại chỉ bắt đầu từ lúc gặp gỡ giữa cha mẹ và chấm dứt khi hơi thở hắt ra lần cuối. Ngoài ra không có gì trước và sau đó nữa.
Với quan niệm như vậy, chúng ta không thể giải thích được những sự khác biệt nhau về trí tuệ, khuynh hướng, sở thích tính khí và năng khiếu của con người dù họ cùng sống trong một hoàn cảnh nhất định. Cũng đành ngạc nhiên trước những hiện tượng thần đồng phi thường mà cha mẹ và môi trường không thể đào tạo nổi. Nhưng tai hại này ít hơn tai hại kế đó. Khi con người không tin luân hồi, thấy kiếp người chỉ tồn tại vài mươi năm, họ sẽ sinh ra khuynh hướng hưởng thụ vội vàng cho bản thân, từ khuynh hướng đó, nền Đạo Đức tốt đẹp của con người sụp đổ không có cách nào kéo lại được nữa. Lúc này mỗi người là một kẻ phá hoại xã hội, là một kẻ cắp giật tranh giành, dù lộ liễu hay kín đáo. Nền an ninh xã hội sẽ khủng hoảng trầm trọng. Người ta sẽ tham nhũng, ăn cắp của tập thể, lơ là với việc chung và kỹ lưỡng với việc riêng, những tội ác hình sự sẽ đầy dẫy khắp nơi mà không một quyền lực nào dập tắt được. Tình trạng kinh tế của một quốc gia chỉ kéo lê thê như cơn hấp hối bởi vì mỗi con người trong guồng máy đó chỉ nghĩ đến hưởng thụ cá nhân, che mắt dư luận tranh giành xâu xé nhau, gạt bỏ người có tài ra ngoài để kết bè phái củng cố địa vị của mình, tuy là cán bộ của quốc gia nhưng lại chính là kẻ phá hoại quốc gia. Họ không sợ tội lỗi chỉ cần kín đáo che mắt xã hội, vì chết rồi không còn quả báo nữa, không đời sống nào nữa, chết là hết!
Chẳng phải Luật Nhân Quả Nghiệp báo là sự đối phó với tình trạng xã hội, mà sự thật luật Nhân Quả là một chân lý tồn tại khách quan. Luật Nhân Quả nằm trong sâu kín của con người thì gọi là lương tâm, trùm phủ chi phối tất cả sự việc của con người thì gọi là báo ứng. Tận trong thâm tâm chúng ta ai cũng đồng ý rằng người có công đáng được thưởng, kẻ có tội đáng bị phạt. Chính vì lương tâm con người đã là luật Nhân Quả thế nên ai phát triển lương tâm đến tột cùng minh bạch sẽ thốt lên câu:
" KHÔNG CÒN MƠ HỒ VỀ NHÂN QUẢ "
Đồng với Tổ Bá Trượng một cái nhìn khách quan sáng suốt. Thật vậy, người lắng dừng mọi tâm thức vọng động, trí tuệ sáng tỏ sẽ thấu hiểu lý Nhân Quả Nghiệp báo tinh vi hơn bao giờ hết. Luật Nhân Quả là nền Đạo Đức công bằng hơn mọi nền Đạo Đức nào khác và chính luật Nhân Quả cũng chính là lương tri của nhân loại.
Vì quá khứ đã đem lại an vui cho người nên hiện tại chúng ta được hạnh phúc. Vì quá khứ chịu ơn của người nên bây giờ phải nhận người sai khiến. Nếu đã lầm lỡ làm khổ người thì bây giờ đành chuốc lấy tai ương. Tuy nhiên luật Nhân Quả không cố định cứng ngắt, biến thiên vô cùng phức tạp, nếu chúng ta không trầm tĩnh sáng suốt dễ bị kết luận vội vàng thiếu sót.