Đức Phật trả lời như sau. "Ở đây, này Mallikà, có hạng nữ nhân phẫn nộ, não hại nhiều, tuy bị nói ít, liền nổi nóng, nổi giận, nổi sân, sừng sộ gây hấn, biểu lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn, không bố thí cho Sa Môn hay Bà La Môn, món ăn vật uống, vải mặc, xe cộ vòng hoa, hương, phấn sáp, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc, tánh tình keo kiệt. Thấy người khác được lợi dưỡng, cung kính, nó ganh tỵ tức tối, bị trói buộc bởi ganh tỵ. Người ấy sau khi từ bỏ đời sống trở lui lại trạng thái này, tại đấy nó tái sanh hạ liệt, dung sắc xấu, sắc đẹp xấu, hình dáng hạ liệt, nghèo khổ, tài sản ít, sở hữu ít, ảnh hưởng uy tín ít.
"Ở đây, này Mallikà, có nữ nhân phẫn nộ nhiều não hại,... gây hấn, bất mãn. Nó bố thí cho Sa Môn hay Bà La Môn..., tánh không keo kiệt, thấy người khác được lợi dưỡng tôn trọng... nó không ganh tỵ. Người ấy sau khi từ bỏ đời này, trở lui lại trạng thái này, tại đấy, nó tái sinh, dung sắc xấu, sắc đẹp xấu, hình dáng hạ liệt, nhưng giàu sang, tài sản lớn, sở hữu lớn, uy tín ảnh hưởng lớn!"...(lượt đoạn một)..."Ở đây, này Mallikà, có nữ nhân không phẫn nộ, não hại không nhiều, tuy bị nói nhiều không có nổi giận, nổi nóng... bất mãn. Nó bố thí cho Sa Môn hay Bà La Môn món ăn... đèn đuốc, tánh tình không keo kiệt. Thấy người khác được lợi dưỡng cung kính... nó không ganh tỵ... người ấy sau khi từ bỏ đời này, trở lui lại trạng thái này, tại đấy nó tái sanh dung sắc đẹp, sắc đẹp tốt, tịnh tín, thành tựu với dung sắc thù thắng, giàu sang, tài sản nhiều, sở hữu lớn, ảnh hưởng uy tín lớn". Sau những lời giải thích này, hoàng hậu quy y Đức Phật.
NHẬN XÉT:
Xã hội Ấn Độ chia thành bốn giai cấp, trong đó giai cấp Bà La Môn được xem là tối thắng, là giai cấp lãnh đạo tinh thần của xã hội. Mặc dù được qui định bởi dòng tộc huyết thống nhưng những vị Bà La Môn phải sống rất đạo hạnh, trường trai, giữ giới và Thiền Định. Những giới luật dành cho họ khắc khe hơn những giai cấp khác. Họ là tiêu biểu cho Đạo Đức của xã hội. Đến khi đã làm tròn bổn phận tại gia, họ có thể lìa gia đình làm vị Sa Môn ẩn tu Thiền Định chuyên chú. Chính vì Đạo Đức của giai cấp này (ít ra trong thời Đức Phật) mặc dù không hoàn toàn, nhưng cũng khiến cho người cúng dường được nhiều phước báo.
Như thế Phật đã chỉ ra rằng sân hận là nguyên nhân của xấu xí và từ ái là nguyên nhân của đẹp đẽ. Khi người nổi cơn thịnh nộ, họ đã thể hiện sự tức giận đó bởi những nét mặt hung dữ, thô bạo, khó coi. Thường xuyên sân hận như vậy, nét mặt ấy trở thành tướng trạng cố định dành cho họ ở mai sau. Nếu người có gương mặt xấu xí đời này, họ cũng thường mang theo thói quen sân hận từ đời trước.
Ngược lại, người có lối xử sự ôn hòa và tâm hồn từ ái thương người, thương vật, họ sẽ cảm thành gương mặt đẹp đẽ dịu dàng, ánh mắt bao dung xanh biếc. Người được nét đẹp này cũng vẫn còn mang theo đức tánh hiền lành từ quá khứ. Tuy nhiên trong cuộc sống chúng ta vẫn thường gặp gỡ những người xấu xí, không sân hận thịnh nộ, nhưng ích kỷ nhỏ nhoi và thường phạm ác pháp. Nét xấu xí không được gây bởi nhân sân hận, nhưng được gây bởi nhân hẹp hòi và phá giới.
Rồi cũng có những người rất đẹp và cũng rất dữ, hoặc rất đẹp nhưng cũng rất hẹp lượng độc ác.Có một công đức tác thành sự đẹp đẽ là đã từng dâng hoa cúng Phật, tô vẽ hình tượng chư Thánh để cầu xin phước báo. Có thể họ sẽ trở thành đẹp đẽ như ý nguyện, nhưng trong nét đẹp bên ngoài đó vẫn để lộ ra vài nét không hoàn toàn mà một người có nhiều trực giác sẽ đọc thấy tính chất đen tối còn u uẩn ngủ ngầm. Hoặc, mặc dù rất đẹp nhưng thỉnh thoảng đôi mắt lóe lên tia hung quang, hoặc đôi mắt để lộ nét nham hiểm âm thầm... Những nghiệp thiện ác xen lẫn từ quá khứ nên chúng sinh khó được hoàn toàn mọi mặt. Tuy nhiên Phật nêu ra công đức từ ái hiền lành như là một nhân chơn chánh hơn những nghiệp giả tạm bên ngoài nào khác.
Mọi sự giàu sang đều bắt nguồn từ bố thí. Không bố thí, vĩnh viễn không có sự sung mãn tài vật. Tuy Phật khen ngợi hành vi cúng dường cho các bậc tu hành đức hạnh như là một phước điền tươi tốt khiến cho thí chủ thu hoạch được nhiều phước báo, nhưng nếu người có lòng nhân ái sẽ không bỏ qua một chúng sinh khốn khổ nào dù đó là kẻ tội lỗi. Bố thí là sự biểu hiện chân thật của tình thương. Không thể có tình thương ở đầu lưỡi mà phải có tình thương nơi đôi bàn tay dâng tặng. Bố thí không những đem lại phước báo cụ thể mà nó còn là một phương pháp để tu tập những đức hạnh khác. Bắt đầu bằng công hạnh bố thí, người này sẽ buông xả những chấp trước dễ hơn, tâm quảng đại thêm lớn, lòng tham mỏng nhạt dần. Hãy tập bố thí từng chút và bạn sẽ cảm nghe tâm hồn mình thay đổi. Đừng tiêu xài hết những gì mình có, hãy san sẻ với mọi người, dù đó chỉ là gói bánh ngọt, đĩa trái cây, hoặc to tát như lợi nhuận thu được bởi mồ hôi nước mắt.
Người mới biết tu tức là biết trích ra 1/10 số tiền kiếm được để san sẻ với kẻ khác. Người đã thuần thục trong công hạnh bố thí sẽ san sẻ nhiều hơn nữa. Tài vật vô thường tạm bợ, không chắc ở lại lâu dài với mình. Một cuộc thay đổi thời thế, một cơn hỏa hoạn ngập lụt, một lần bị trộm cướp đều có thể lấy đi những gì đã được tích lũy từ lâu. Khi không còn tài sản mà muốn bố thí cúng dường cũng không có cơ hội để làm. Chi bằng trong từng giờ phút hiện tại vừa được lợi nhuận hãy chia sớt ngay cho người, đừng để cơ hội trôi qua. Người tin hiểu Nhân Quả sẽ khao khát bố thí như người mù khao khát mắt sáng. Bố thí là phước báo thế gian, là công đức xuất thế gian, mà cũng chính là mật hạnh của Bồ Tát đạo. Không có bố thí, những công hạnh khát chưa đáng tin tưởng. Bố thí như là sự bảo đảm giá trị cho những công hạnh khác. Chúng ta có thể tu hạnh nhẫn nhục, trì giới, tùy hỉ, tinh tấn, nhưng thiếu bố thí, những công hạnh kia còn phải xét lại. Bố thí là cánh cửa đầu tiên của sự tu tập, chưa vượt qua quan ải này, những quan ải khác chưa thể đề cập đến.
Quả báo của sự bố thí cũng đến theo hai cách, hoặc bạn phải bôn ba ra khỏi nhà để kiếm tài vật, hoặc bạn ở tại nhà mà công việc tài lộc đến tận nơi. Nếu bạn đã từng đến tận nơi để giúp đỡ mọi người, hiện đời bạn ở tại một chỗ mà vẫn có cơ hội làm ăn khá giả. Nếu bạn đợi người đến yêu cầu mới giúp thì đời này phải bôn ba ra khỏi nhà mới có cơ hội làm ăn. Thế nên để thể hiện tình thương trọn vẹn hơn nữa, chúng ta hãy đến tận nơi để giúp đỡ người.
Người sống vị tha thì luôn luôn nghĩ đến nhu cầu của người chung quanh để giải quyết. Không gì vui sướng bằng âm thầm mong ước cây viết tốt đã lâu, bỗng một hôm người thân đem đến tặng đúng như sở nguyện. Đôi khi người chung quanh ta có những nhu cầu mà không tiện nói ra, chúng ta giàu lòng thương người nhận xét thấy được nhu cầu sâu kín đó và giải quyết cho họ. Người như thế đời sau mơ ước điều gì đều được như ý.