Thiên Nhãn Của Alahán

  • Thời gian

    18 thg 9, 2023

  • Lượt xem

    324 lượt xem


THIÊN NHÃN CỦA ALAHÁN: (Trích trung bộ kinh I, kinh Randarara, B) ..."Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền...

1167-thien-nhan-c-a-alahan

Vị ấy tuệ tri rõ ràng chúng sinh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của chúng. Vị ấy nghĩ rằng thật sự những chúng sinh này thành tựu những ác hạnh về thân, lời nói, ý nghĩ, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sinh khác thành tựu những thiện hạnh về thân, lời nói, ý nghĩ, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh lên các thiện thú (chỗ đến), thiên giới, cõi đời này. Như vậy vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sinh, vị ấy tuệ tri rõ rằng chúng sinh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của chúng."

NHẬN XÉT:

Trình độ để một hành giả thành tựu thiên nhãn siêu nhiên là Tứ thiền. Người nhập được Tứ thiền tâm thanh tịnh đến nổi hơi thở dừng lại. Thuần thục Tứ thiền vị này hướng tâm về những đời sống quá khứ của chính mình và nhớ lại vô lượng đời sống quá khứ ấy. Khả năng này gọi là Túc mạng minh. Rồi vị ấy hướng tâm quan sát sự lưu chuyển sanh tử của chúng sinh và thấy chúng sinh khổ vui theo nghiệp thiện ác của quá khứ. Khả năng này gọi là Thiên nhãn minh. Rồi vị ấy hướng tâm về đầu mối của sanh tử triền phược, tìm ra nguồn gốc của khổ, tìm ra ý nghĩa của giải thoát và con đường đưa đến giải thoát. Liền đó vị ấy thoát khỏi mọi lậu hoặc vô minh, thành tựu Niết Bàn an ổn. Khả năng này gọi là lậu tận minh. Đủ ba minh này, vị ấy được gọi là Alahán.

Phải là người chứng Thiên nhãn minh mới thấy được đường đi của Nhân Quả. Chúng ta đừng dùng mắt thịt nhìn vào cõi không gian thô thiển này mà mong tìm đường đi của Nhân Quả.

Khoa học chưa đủ khả năng để khám phá những tầng lớp không gian sâu thẳm hơn, chỉ có người lắng sâu trong Thiền Định mới thấy được điều này. Và ở đây, đường đi của Nhân Quả Nghiệp báo là một sự thật được chứng kiến rõ ràng. Một người mù từ thuở lọt lòng, dù được nghe diễn tả chứng minh đủ mọi cách về màu sắc, vẫn không thể nào tin hiểu được. Chúng ta là những người mù từ thuở lọt lòng, không khai phát thiên nhãn, dù được nghe diễn tả chứng minh đủ cách về đường đi của Nhân Quả vẫn không thể nào tin hiểu được. Nhưng hạnh phúc thay cho những ai nghe được lương tâm mình lên tiếng nói để có thể tin hiểu lý Nhân Quả Nghiệp báo rất là công bằng và mầu nhiệm.

Chúng ta muốn làm việc nghĩa, muốn đem nhiệt tình, tài năng và bạo lực để thay đổi hoàn cảnh của mọi người, dành lấy tài sản của người này đem phân phát cho người khác. Nhưng điều này không phải là nguồn gốc cho hạnh phúc của xã hội. Chính hạnh nghiệp quá khứ đã đưa đến hoàn cảnh đời sống khổ vui cho họ như hiện tại. Nếu chúng ta thương yêu họ, những kẻ khốn cùng, hãy giáo hóa cho họ biết thương yêu giúp đỡ mọi người hơn là phẫn nộ và tàn ác. Kẻ càng nghèo càng dễ trở thành tội lỗi, và tội lỗi làm cho họ khốn đốn hơn. Con người phải chịu trách nhiệm lấy mọi hành động của mình, không phải thần linh qui định cho họ, nhưng cũng không phải ngẫu nhiên vô cớ. Hai quan niệm một chiều cực đoan và sai lầm rất phổ biến nơi mọi người. Một, trút hết mọi trách nhiệm cho một thần linh tưởng tượng, và mình trở thành kẻ cầu nguyện van xin. Hai, xem họa phúc là việc ngẫu nhiên của hiện tại, chỉ do tài năng để đạt thành và như thế họ trở thành kẻ tự cao ác độc

Họ phải can đảm nhận lấy khổ vui như là hậu quả của chính mình và phải dè dặt cẩn thận trong từng hành động của hiện tại. Một người như thế, mọi người như thế, thế giới này bỗng trở thành cõi tịnh lạc vinh quang. Những câu nói mộc mạc của ông bà như "Ở hiền gặp lành", "Gieo gió gặt bão"... đã tuôn chảy vào lòng người Việt Nam thành một truyền thống Đạo Đức tốt đẹp. Đánh mất truyền thống Đạo Đức này, nền Đạo Đức của thế hệ trẻ Việt Nam sẽ đổ vỡ sa đọa không còn hàn gắn xây đựng được nữa. Tương lai của xã hội tùy thuộc vào thế hệ trẻ. Nếu thế hệ này không còn Đạo Đức, trước mắt chúng ta là buổi chiều ảm đạm bên cạnh vực thẳm đau thương. Cần phải dựng lại nền Đạo Đức nhân bản này để ánh sáng của tình thương phả khắp vào lòng người mãi mãi.

 


Tổng số đánh giá: 0

Xếp hạng: 5 / 5 sao

Cùng chủ đề