Câu chuyện về "Sống khắc khổ hà tiện"

  • Thời gian

    18 thg 9, 2023

  • Lượt xem

    448 lượt xem


Vua Pasenadi nước Kosala, giữa trưa đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với vua...

1170-cau-chuyen-ve-song-khac-kho-ha-tien

– "Này Đại Vương, Đại Vương đi đâu giữa trưa thế này?"
– "Ở đây, bạch Thế Tôn có triệu phú gia chủ ở Sàvathi bị mệnh chung và con đến để xem tài sản của vị không có con (thừa tự) ấy được chở vào nội thành. Bạch Thế Tôn, có đến tám triệu đồng tiền vàng, không nói đến tiền bằng bạc. Bạch Thế Tôn, tuy vậy đồ ăn của vị gia chủ ấy lại chỉ gồm có cháo tấm chua ngày hôm qua để lại. Còn vải mặc chỉ mang vải gai may thành ba tấm. Còn xe thì đi xe nhỏ cũ kỷ và hư nát, có gắn tán che bằng lá".

– "Thật như vậy. Này Đại Vương! Thật như vậy, này Đại Vương, vị triệu phú gia chủ ấy thuở xưa đã bố thí thức ăn khất thực cho một vị Bích Chi Phật tên là Tayarasikkhi. Vị ấy nói:"Hãy bố thí cho vị Sa Môn", nói xong vị ấy từ chỗ ngồi đứng dậy rồi bỏ đi. Nhưng sau đấy, vị ấy tiếc rẻ nói rằng: "Tốt hơn, thức ăn này dành cho người phục dịch hay làm công" và hơn nữa, vị ấy đoạt mạng sống đứa con độc nhất của người anh vì tài sản của nó"

"Này Đại Vương, vì người triệu phú gia chủ ấy có bố thí đồ ăn khất thực cho vị Độc Giác Phật tên là Tayarasikkhi. Do kết quả hành động ấy, vị ấy sinh bảy lần lên thiện thú thiên giới. Do kết quả dư hưởng còn lại, vị ấy được làm nhà triệu phú bảy lần ở tại Sàvathi này".

"Này Đại Vương, vì người triệu phú gia chủ ấy sau khi bố thí, về sau lại tiếc rẻ nói rằng:"Tốt hơn thức ăn này để dành cho những người làm công phục dịch". Do kết quả của tác ý tiếc rẻ đó, tâm nó hướng đến các món ăn, đồ mặt không được tốt đẹp, tâm nó hướng đến các xe cộ, về sự thọ hưởng năm dục không được tốt đẹp.

"Này Đại Vương, vì người triệu phú gia chủ ấy đoạt mạng sống người con độc nhất của người anh để dành tài sản. Do kết quả của hành động ấy, nó bị nung ở địa ngục nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều trăm ngàn năm. Do kết quả dư hưởng còn lại, gia tài không con thừa tự, bảy lần phải nhập vào công khố của vua. Này Đại Vương, đối với người triệu phú gia chủ này, các công đức cũ bị đoạn diệt và công đức mới chưa được cất chứa thêm. Và nay, này Đại Vương người triệu phú gia chủ đang bị nung nấu trong địa ngục Mahàsoruva".

– "Bạch Thế Tôn, như vậy người triệu phú gia chủ đã sanh vào địa ngục Mahàsoruva?"

– "Này Đại Vương, đúng như vậy, người triệu phú gia chủ ấy đã sanh vào địa ngục Mahàsoruva!".

"Lúa, tài sản, vàng bạc,
Hay mọi vật sở hữu.
Nô Tỳ và lao công
Các mạng sống tùy thuộc.
Tất cả nó phải đi
Không đem theo được ai
Tất cả phải bỏ lại
Khi nó đi một mình"
"Chỉ có các hành động
Về thân, miệng và ý
Mới thật thuộc của nó
Như bóng không rời hình
"Do vậy hãy làm lành
Tích lũy cho đời sau
Công đức cho đời sau
làm hậu cứ cho người"

NHẬN XÉT:

Câu chuyện Nghiệp báo này có nhiều điểm đáng chú ý. Một sự cúng dường vật thực cho một vị giải thoát đem đến phước báo quá lớn lao, bảy lần sinh lên cõi trời, bảy lần sinh vào cõi người làm kẻ giàu có.

Hai, tâm tiếc rẻ là nhân để kết thành nhân hà tiện ở đời sau.

Ba, phá hoại sự thừa tự của người khác nên tài sản chính mình không có người thừa tự.

Bốn, giết người phải đọa địa ngục.

Năm, không tích lũy thêm công đức là điều nguy hiểm.

Chúng ta phân tích trở lại từng vấn đề.

Tại sao cúng dường cho bậc Thánh giải thoát lại được phước báo quá lớn lao như vậy!

Quả báo đợi chờ cho chúng ta tùy thuộc vào phúc lạc mà chúng ta đã đem đến cho người. Chúng ta bố thí vật thực cho một phàm phu sống qua một ngày. Nhưng một ngày của kẻ phàm phu là một ngày tham lam, thù hận, một ngày khổ sướng buồn vui. Vì phúc lạc của họ quá ít ỏi nên quả báo dành cho người bố thí cũng hạn chế.

Ngược lại, một bữa ăn dành cho bậc đạt đạo sống qua một ngày thênh thang phúc lạc một ngày bát ngát trí tuệ từ bi, nên
quả báo trở lại cho người thí chủ cũng là vô biên vô lượng.

Tôi đặt vấn đề này để những người thọ thí hãy cố gắng tu hành đắc lực cho thí chủ được nhiều phước báo chứ không
phải nói cho người bố thí chỉ lựa người tu hành mà bỏ qua những chúng sinh khốn khổ chung quanh. Người bố thí chỉ nên vì từ bi mà bố thí, đừng bố thí bằng cách lựa chọn để mong cầu phước báo cho mình. Được sự hướng dẫn của từ bi, sự bố thí đó không còn phân biệt, không phải là việc kinh doanh phước báo cho mình. Từ bi là nguồn mạch của công đức, thế nên chúng ta hãy san sẽ tài vật trong ưu ái thương yêu đối với mọi người. Những bậc Thánh giải thoát thường giấu mình trong một hình thức tầm thường giản dị. Trong những người tầm thường giản dị mà chúng ta đã gặp gỡ bố thí, biết đâu cũng có người phi phàm vượt thế. Chỉ một lần dâng tặng đến người như thế, phúc lạc chờ đợi cho chúng ta là vô hạn ở mai sau.

Tâm tiếc rẻ tức là không muốn cho kẻ khác được thọ hưởng tài vật.

Kết quả của nó là người đó sẽ tự mình không muốn mình được thọ hưởng tài vật, tự mình khắc nghiệt hạn chế với mình. Chúng ta cũng dễ thấy điều này trong đời sống, khi người nào bỏn xẻn không muốn kẻ khác dùng một bữa cơm trong nhà mình, đến khi lỡ đường gặp bữa, họ rất ngượng ngùng áy náy bất an khi phải dùng cơm nơi nhà kẻ khác. Ngược lại, người hào phóng rộng rãi ân cần tiếp đón chiêu đãi tân khách, đến khi gặp chỗ lạ, họ vẫn dùng một cách tự nhiên thoải mái. Tâm tiếc rẻ của người triệu phú gia chủ đã biến thành tâm hà tiện để đày đọa ông qua nhiều đời mệt mỏi vất vả, tuy giàu mà sống lam lũ như người nghèo. Chúng ta khắc nghiệt với chính mình vì chúng ta đã khắc nghiệt với mọi người. Chúng ta phải xóa sạch tâm tiếc rẻ và tâm hà tiện để nơi cuộc sống này chúng ta không làm khổ mình và không làm khổ người.

Tuy nhiên, tâm tiếc rẻ và ý thức tiết kiệm khác nhau rất xa dù hai trạng thái mơ hồ tương tự. Tâm tiếc rẻ là không muốn cho người khác được thọ hưởng tài vật.

Tâm tiết kiệm là không muốn cho tài vật bị hư hao vô cớ, chỉ nên để cho người thọ hưởng.

Ví dụ, một người cúi xuống nhặt lấy từng chiếc đinh rơi vãi trên đất, nhưng sẵn sàng bố thí cả nghìn đồng cho kẻ khác khó khăn. Người này tiết kiệm nhưng quảng đại, không phải là kẻ hà tiện hẹp hòi.

Còn một người ky cõm từng chút không muốn mất một chút gì với ai, đó là người bỏn xẻn hà tiện.

Hà tiện, hoặc bố thí mà tiếc rẻ là nhân đưa đến đau khổ. Tiết kiệm và rộng lượng là nhân đưa đến an vui. Tuy nhiên, chúng ta phải tinh tế để đừng tự lừa dối chính mình, đừng giữ tâm hà tiện mà lại cho là tiết kiệm, cũng đừng phung phí mà lại tự cho là rộng rãi. Phung phí là tiêu xài tài vật không đúng cách, không hợp lý, là một bất thiện nghiệp chứ không phải là thiện nghiệp. Ví dụ có một số tiền cần để xây dựng lại nhà ở cho thân quyến, nhưng chúng ta đem đổ vào một cuộc vui tạm thời. Như thế là phung phí không hợp lý chứ không phải rộng lượng. Tặng kẻ đánh bạc vài nghìn đồng là phung phí, trong khi tặng người đói rách số tiền ấy là rộng lượng. Biếu vài lít rượu, đãi một tiệc nhậu say sưa là hành vi phung phí tội lỗi trong khi có nhiều người thiếu thốn khác cần cơm gạo để đi qua một ngày đói kém. Chúng ta phải bỏ đi tâm hà tiện, nhưng cũng đừng phung phí, phải cân nhắc cẩn thận khi sử dụng tài vật sở hữu của mình.

Người gia chủ đã giết con của anh mình để đoạt lấy tài sản, vừa giết người vừa cướp của. Ông ta đã đền trả tội lỗi ấy bằng nhiều năm ở địa ngục, nhưng chút nghiệp thừa rơi rớt cũng đủ khiến cho ông không bao giờ có con để thừa tự tài sản, nỗi đau khổ ghê gớm của những người giàu có! Những vì vua không con nối ngôi cũng được liệt vào loại Nghiệp báo tương tự. Tuy nhiên quan niệm này cũng không thể nhìn một chiều. Người Trung Hoa đã từng quan niệm đông con là có phước. Họ đã vẽ ba ông già Phước Lộc Thọ làm biểu tượng cho ba niềm sung sướng của họ, trong đó ông già Phước bồng bế nhiều đứa con trai. Quan niệm này đã khiến người Trung Hoa tăng vọt dân số khủng khiếp và đã khiến giới lãnh đạo phải bận tâm rất nhiều. Chiến thuật biển người dùng trong chiến tranh cũng là một lối giải quyết bi đát. Lại những gia đình đông con thường là những gia đình nghèo khó, không có vốn liếng tích lũy, vì phải giải quyết cơm ăn áo mặc hàng ngày. Đối với người giàu có, đông con cũng là một vấn đề phức tạp khi phải chia xẻ gia tài. Không người thừa tự tài sản là nỗi đau khổ của người ích kỷ, nhưng đông con cũng là nỗi lo lắng của mọi người. Thế gian vốn mâu thuẫn và không hoàn hảo như vậy.

Giết vài con vật nhỏ đưa đến quả báo đứt tay trầy chân hoặc bệnh hoạn vài trận. Giết thú lớn đưa đến quả báo tai nạn và bệnh hoạn nặng nề hơn nhiều. Còn giết rất nhiều thú vật mỗi ngày để kinh doanh thì không tránh khỏi quả báo địa ngục.

Tuy nhiên, giết thú không nặng tội bằng giết người.

Giết người để tranh đoạt tài sản đã đưa ông gia chủ chịu hình phạt ở địa ngục nhiều nghìn năm. Chúng ta không so sánh những trường hợp phải giết người trong một cuộc chiến đấu giữ gìn bờ cõi. Ở đây chúng ta chỉ đề cập đến trường hợp giết người vì ác tâm và những mục đích vị kỷ. Tội lỗi của hành vi này rất là nặng nề nghiêm trọng. Bản chất của chúng sinh, dù loài nào cũng đều ham sống sợ chết. Người tự tử cũng là người ham sống, họ tìm cái chết để tránh một cuộc sống quá đau khổ tuyệt vọng. Giết hại chúng sinh tức là gây cho chúng sinh một sự đau đớn về thân và một sự tuyệt vọng khi lòng ham sống bị xâm phạm. Hơn nữa, cái chết của một chúng sinh luôn luôn đồng nghĩa với sự biệt ly thân quyến. Một người cha mất đi cũng có nghĩa là vợ con ở lại rơi vào túng quẩn nghèo đói. Một người mẹ mất đi cũng có nghĩa là những đứa con còn lại sắp phải chịu cảnh mẹ kế con chồng, thảm kịch muôn đời của nhân loại.

Những kẻ quen tay giết hại thú vật nhỏ sẽ dễ dàng giết hại thú vật lớn, và kẻ quen tay giết hại thú vật lớn sẽ dễ dàng giết hại con người. Thế nên đểå ngăn chận nghiệp giết người từ ban đầu, chúng ta phải dè dặt đừng xâm phạm tính mạng từng sinh vật nhỏ, quí trọng sự sống của mọi loài nhỏ nhít.

Trong đời sống thường ngày, chúng ta cũng thường gặp những kẻ giàu sang dư dả, nhưng họ chỉ hưởng thụ qua một đời vô vị mà không biết tạo tác tích lũy thêm căn lành cho đời sau. Những nghiệp thân khẩu ý hàng ngày, dù ít hay nhiều, cũng đều trở thành bất thiện nghiệp. Nói một lời hằn hộc, bực tức một điều gì cũng đều là những bất thiện nghiệp nho nhỏ chất chứa dần dần theo năm tháng. Nếu không có những thiện nghiệp lớn lao để hóa giải, chắc chắn bỏ thân này, chúng ta sẽ đi về một đời sống thấp kém khổ sở hơn. Ông triệu phú gia chủ không tích lũy thêm thiện nghiệp, ôm giữ ba nghiệp theo sự chi phối của tâm hà tiện bỏn xẻn, và kết quả là bị nung nấu ở địa ngục Mahàsoruva.


Tổng số đánh giá: 0

Xếp hạng: 5 / 5 sao

Cùng chủ đề