Đặc biệt, là con người chúng ta ỷ mạnh nên đã tàn sát biết bao nhiêu là sinh linh để phục vụ cho lợi lạc chính bản thân mình.
Trong Đạo Phật, mọi loài vật đều có Phật tánh, đều có sự bình đẳng như nhau, cho dù là những loài sinh vật bé nhỏ nhất.
Chúng cũng luôn muốn được sống và con người chúng ta cần nên tôn trọng sự sống đó. Đã có những người vô tình hoặc cố ý sát hại sinh vật mà mang những khổ báo về sau này.
Chùa Phước Hưng với diện tích khá khiêm tốn, trụ tại ấp Thạnh Hiệp, Xã Hòa Thạnh, Huyện Tam Bình, Vĩnh Long có một vị trù trì còn rất trẻ - Đại Đức Thích Minh Hòa. Thầy là người có tâm từ bi, ngoài việc hoằng pháp lợi sanh, Thầy và các vị Phật tử còn mở một phòng bắt mạch, tặng thuốc nam miễn phí cho nhiều bệnh nhân nghèo. Một tháng chùa Thầy điều trị cho hơn 10.000 bệnh nhân đăng ký trước. Thầy làm điều này ngoài việc lợi ích cho chúng sanh mà còn là lòng hiếu thảo, đem công đức này sám hối, hồi hướng cho mẹ.
Ít ai thấy được bên việc cứu người, Thầy còn mang nặng nỗi niềm với người mẹ đang héo gầy dần theo năm tháng vì những nghiệp bất thiện mẹ đã làm khi còn trẻ. Chăm sóc cho bà là điều không khó, cái khó ở đây là phải làm sao chuyển hóa cho bà được an ổn, nhẹ nhàng. Đó là mong ước lớn nhất mà Thầy luôn xót xa, trĩu nặng.
Thầy Thích Minh Hòa đã kể về cuộc đời của Thầy và Mẹ Thầy như sau:
Năm 9 tuổi thầy vô chùa để tu, làm chú điệu đến năm 13 tuổi, Thầy xin Sư phụ quay trở về nhà phụ giúp mẹ, vì thấy mẹ bên ngoài sống khổ quá (phải chăn bò, chăn vịt) cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn không đủ ăn. Về nhà không biết làm nghề gì nên mỗi đêm Thầy đi soi ếch, nhái, chích điện cá. Mùa khô không có cá, Thầy đi soi nhái, bồ tọt, cóc, nhái bắt về, con nào mạnh chân quá thì bẻ giò, bẻ cẳng. Sau đó mẹ Thầy mới cắt đầu, lột da thì các chú ếch nhái vừa chắp tay lạy vừa run lẩy bẩy nhưng lúc đó không biết xót thương. Cá chích điện xong lựa ra, con nào lớn thì đem ra chợ bán, con nào nhỏ để dành ăn. Hai mẹ con Thầy đã hành nghề này một thời gian và làm ba công ruộng để mua gạo kiếm sống.
Sau đó Thầy lên Sài Gòn làm thêm rồi quay trở về, cảm thấy có gì đó sai trái ở nghề nghiệp nên mới phát tâm Bồ đề, hai mẹ con Thầy hướng về Phật pháp. Quả báo đến trước với Thầy, bắt đầu là căn bệnh Viêm đa khớp, các khớp tay chân đều sưng lên hết tưởng chừng như mất mạng, Thầy hiểu là do Nhân quả của mình (bẻ giò bẻ cẳng ếch nhái, rắn chích điện đem bán, còn đam mù mắt chúng...) Căn bệnh khớp kéo dài 2 -3 năm vẫn không chữa được nên Thầy quyết tâm trở thành một Thầy thuốc cứu chữa cho mọi người. Hồi đó gây tạo nghiệp bao nhiêu, bây giờ Thầy phải cố gắng tọa nghiệp thiện lành để bù đắp cho quả báo được nhẹ đi.
Giống như một nắm muối hòa vô ly uống không được vì quá mặn, nắm muối đó hòa vô cái thau cũng còn mặn nhưng nếu hòa vô một con sông thì nước không còn mặn, có thể dùng được (nắm muối là ví dụ cho quả báo ác, ly nước là tích tiểu thiện, thau nước là tích trung thiện, còn sông nước là đại thiện). Việc thiện tốt lành càng nhiều thí quả báo nó vơi nhẹ đi. Tâm nguyện của Thầy là "giúp đạo, cứu đời" bằng hành trình đi tìm cây thuốc nam.
Mẹ Thầy thì do hồi trước cắt đầu ếch, nhái đem ra chợ bán mỗi ngày 500 - 1000 con trong cả một thời gian dài thì biết bao nhiêu là chúng sanh bị sát hại. Năm 2003, Thầy đang tu ở chùa Minh Hải thì bà cụ ở nhà phát bệnh. Đang khỏe mạnh thì đột nhiên toàn thân bà rùng mình rồi run rẩy, tay chân co quắp, mắt mù cho đến thời điểm hiện tại (thân bà cụ giống như con nhái lúc bị cắt đầu, cắt chân tay, lột da...mà chết rất là khổ). Thầy hiểu nhân duyên chín muồi, quả báo cũng đã đến với mẹ nên lấy làm thương xót. Chỉ mong cho mẹ Thầy nương theo Tam Bảo, đến cuối đời được A Di Đà Phật tiếp dẫn vãng sanh.
Từ kinh nghiệm bản thân, Thầy khuyên các Quý Phật tử nên ăn chay, phóng sanh, niệm Phật để quả báo, hậu báo của mọi người được tốt hơn.
Còn như bây giờ mình háo sát, hay ăn thịt chúng sanh thì từ bây giờ cho đến sắp lâm chung, nhân quả nó sẽ đòi. Thầy và mẹ Thầy đã và đang trả quả, là một bài học cho tất cả mọi người. Cần ý thức rằng, cuộc sống ở thế gian này chỉ có 70 -80 năm thôi, ăn được không bao nhiêu, rau cháo hay cao lương mỹ vị gì thì cũng qua một ngày. Thế nhưng nếu ta không sát sinh, ăn chay, nghiệp báo mình thọ lãnh tốt hơn, khi ra đi an lành hay không an lành thì nếu chịu khó quan sát sẽ biết ngay. Sau đó tái sinh về đâu, cõi lành (trời, người, atula) hay dữ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) đều do nghiệp thiện, ác mình đã gieo.
GIẢNG RỘNG
Ngoài ra, từ câu chuyện của Thầy Thích Minh Hòa chúng ta còn thấy được tấm lòng hiếu thảo của Thầy đối với mẹ Thầy. Trong kinh Tăng chi I, Đức Phật đã nói về công ơn cha mẹ như sau: " Này các Tỳ-kheo, có hai hạng người ta nói khó có thể đền ơn, đó là cha và mẹ. Này các Tỳ-kheo, nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, cứ cõng như thế suốt một trăm năm, cho dù cha mẹ có đại tiểu tiện trên ấy cũng chưa đủ trả ơn cho cha mẹ”.
Chính vì công ơn cha mẹ sâu nặng như thế mà người con không thể lãng quên. Nhưng làm thế nào để đáp đền được công ơn ấy? Đức Phật dạy: “Những ai đền ơn cha mẹ bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường bằng của cải vật chất, tiền bạc thì không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng những ai đối với cha mẹ không có lòng tin thì khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ an trú vào lòng tin; đối với cha mẹ theo ác nghiệp thì khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ an trú vào thiện nghiệp; đối với cha mẹ xan tham thì khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo tà kiến, ác kiến thì khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ an trú vào chánh kiến, trí tuệ. Như thế là làm đủ và trả ơn đủ cho cha mẹ”.
Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ rộng lớn như trời biển, làm sao con cái có thể đáp đền bằng những giá trị tầm thường như tiền bạc, của cải vật chất. Của cải vật chất không thể so sánh được với những tình cảm thiêng liêng quý báu mà cha mẹ dành cho con. Vì vậy, để đáp đền công ơn cha mẹ, ngoài việc kính yêu, hiếu thuận và phụng dưỡng, con cái phải hết lòng quan tâm cha mẹ về mặt tinh thần, chăm lo đời sống tâm linh của cha mẹ, chỉ như thế mới có thể báo hiếu một cách trọn vẹn.
Ngoài việc lo cho cha mẹ từng miếng ăn giấc ngủ và làm cho cha mẹ sống vui vẻ hạnh phúc, người con cần phải biết hướng cha mẹ đi trên con đường lành. Đó là lo cho cha mẹ trong đời sống hiện tại và tương lai, lo cho cha mẹ lúc sinh tiền và cả sau khi khuất bóng. Người con khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ sống đời sống chân chánh để hiện tại được an lạc, đồng thời làm nhân an vui hạnh phúc trong đời sống vị lai. Nếu cha mẹ không có chánh tín thì người con giúp cha mẹ có chánh tín, nếu cha mẹ không có chánh kiến thì người con giúp cha mẹ có chánh kiến, nếu cha mẹ sống tà mạng, tà nghiệp thì người con hướng cha mẹ về với chánh mạng, chánh nghiệp v.v... Cha mẹ không tin Tam bảo thì người con có bổn phận hướng dẫn cha mẹ kính tin, giúp cha mẹ quay về nương tựa Tam bảo.
Người con chẳng những giúp cha mẹ tạo nhân duyên lành để có được đời sống an lạc trong hiện tại và vị lai mà còn có thể khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ tu tập hướng đến con đường giác ngộ, giải thoát, đó chính là tột cùng của sự báo hiếu. Hiếu thảo với cha mẹ là việc làm tất yếu, việc làm đó trên cả bổn phận và trách nhiệm, vì đó là đạo đức, là nhân cách của con người.