Nhân quả có thật mang tên "Không Cố Ý"

  • Thời gian

    18 thg 9, 2023

  • Lượt xem

    283 lượt xem


Chúng tôi nghe câu chuyện này từ thầy Thông Pháp kể về một vùng quê ở Mỹ Luông, cách đây hơn 30 năm.

1172-khong-co-y-co-toi-khong

Tiếng la thất thanh của ông Ba làm người trong làng choàng tỉnh. Tiếng gà gáy canh cuối, mặt trời còn yên ngủ ở cuối trời.

– "Có ai mất đứa con nhỏ nào không, tôi thấy một ông già khăn đỏ bắt một đứa nhỏ đi về hướng Long Xuyên.

Dân làng lao xao bàn bạc. Chợt có hai vợ chồng chạy đến nhận rằng có đứa con trai vắng nhà từ chiều qua chưa thấy về. Theo hướng ông Ba chỉ, họ nhờ nhiều người đi tìm phụ.

Nhưng chuyện đó chìm dần vào quên lãng và hai vợ chồng kia vĩnh viễn mất đứa con trai. Riêng ông Ba từ đó đổi tính hiền lành, ít nói, về nhà lập một bàn thờ. Mỗi khi ăn cơm ông xới thêm một chén cơm để lên bàn thờ và khấn vái lâm râm. Bà Ba có hỏi liền bị ông gạt phắt đi.

Ông có trồng một đám mía. Đến mùa mía chín, lũ trẻ và heo của hàng xóm hay đến phá phách. Ông rất bực mình vì phải canh giữ. Một hôm ông đuổi con heo đang phá mía và theo nó về đến nhà chủ của nó. Khi được ông ôn tồn nói sự phá phách của con heo, cô chủ ong ỏng chối ngang và thách ông có đập chết con heo tại chỗ cô mới chịu nhận heo mình có phá mía. Ông đuối lý và căm giận vô cùng, quyết tâm bắt con heo làm tang chứng để mắng con mụ đó một trận. Ông mài cây xà búp (giống như cây giáo mũi nhọn) cầm theo để rình rập. Ông bò lết qua lại trong đám mía đến nổi hai khủy tay thành chai cứng. Và rồi cái gì ông mong đợi đã tới. Khi trời vừa sụp tối, ông thấy bóng "con heo" đang sột soạt nơi hàng mía bên kia. Ông rón rén bò lại gần và phóng mạnh cây xà búp. "Con heo" ngã lăn ra kêu không thành tiếng, chỉ phát ra tiếng khèn khẹt. Ông mừng rỡ chạy vội lại và thất kinh hồn vía. Thằng nhỏ giãy giụa với cây xà búp ghim ngay bụng. Ông cuống cuồng không biết tính sao. Rút mũi xà búp ra là đổ ruột liền, mà đem ra là đi tù chớ chẳng chơi. Ông do dự mãi mà không biết cách nào giải quyết. Đến khi gà gáy canh tư, ông đào lỗ chôn thằng bé trong đám mía, phi tang mọi dấu vết và về làng la lên đổ thừa cho ông già khăn đỏ.

Từ đó ông hối hận vô cùng, mỗi bữa ăn đều cúng cơm cho hương hồn thắng bé và nói lên sự vô tình và ân hận của mình. Khi phải đi đâu vắng ông dặn bà Ba cúng chén cơm không để gián đoạn bữa nào. Thời gian thắm thoát qua ba năm, một đêm ông nằm mộng, thấy đứa bé đến gọi, ông giật mình mở mắt, không thấy điều gì, lại nhắm mắt ngủ tiếp như vậy đến ba lần. Đứa bé lại đến gọi và nói:

"Ba năm qua tôi biết rõ lòng ông, không phải ông cố ý giết tôi, nên tôi không oán giận gì với ông cả. Tôi sắp đầu thai làm con của gia đình gần đây, cách nhà ông sáu căn về phía dưới. Ngày mai ông có nghe gia đình đó sinh con, thì tức là tôi, dưới bụng còn dấu dao cũ. Tôi báo cho ông biết để ông đừng cúng cơm cho tôi nữa".

Ông Ba giật mình tỉnh giấc và thức mãi không ngủ được. Sáng ngày ông nghe ngóng và biết có gia đình cách nhà ông sáu căn vừa sinh đứa con trai. Đến chiều, ông đem quà đến thăm và đến tận buồng vạch bụng xem quả nhiên có dấu thẹo mờ mờ. Từ đó ông cứ đến viếng thăm đứa bé đó luôn. Mỗi khi đi chợ về ngang thì không kẹo cũng bánh đem cho thằng bé. Mối thâm tình của ông và thằng bé đầm ấm mãi. Cha mẹ thằng bé mặc nhiên xem ông như một người thân thiết và đỡ đầu cho thằng bé. Niềm hối hận bao nhiêu năm được đền trả trong từng hộp sữa, từng chiếc bánh, từng cái nâng niu của ông dành cho thằng bé.

Bây giờ thì thằng bé đã được tám tuổi rồi. Một hôm ông đem quà đến thăm nhằm lúc cha mẹ nó đi vắng. Đứa bé ôm ông thưa:"Ông thương con quá mà con không biết làm sao trả hiếu cho ông".

Ông Ba âu yếm nói:

"Con muốn trả hiếu cho ông hả? Kìa, có trái đu đủ chín ngoài cây kìa, con hái đãi ông đi!"

Đứa bé mừng rỡ nhìn trái đu đủ cao hơn tầm tay với và băn khoăn không biết hái cách nào. Ông bảo nó lấy cây dao mác ra mà chặt, nó vâng lời lấy cây dao mác ra, mà vẫn với không tới. Ông Ba đến gốc cây cõng nó lên muốn nó tự tay hái đãi ông. Thằng bé thích thú cười dang tay quơ cây mát đứt cuống trái đu đủ, nhưng khi trái đu đủ rớt tới đất thì lưỡi mác mất đà rơi xuống ghim sâu vào bụng ông Ba. Ông ngã lăn ra kêu không thành tiếng, chỉ phát thành tiếng khèn khẹt mà thôi. Dĩ nhiên ông được đưa về nhà, chịu đựng tình trạng đó hơn một ngày đêm và từ chối mọi sự chữa trị. Qua một ngày ông bỗng tỉnh táo lạ thường và nói trở lại được. Ông cho người nhà đi tìm gọi hai vợ chồng mất đứa con hơn mười năm trước, gọi cha mẹ thằng bé đến, và trước mặt đông đủ con cháu, mọi người ông kể lại câu chuyện đã bị giữ kín hơn mười năm qua. Ông dặn gia đình không được làm khó thằng bé và cha mẹ nó, vì đây là nghiệp quả mà ông phải trả. Ông bảo con cháu lấy kinh Nhân Quả đọc cho ông nghe. Sau đó ông trút hơi thở cuối cùng.

Luật Nhân Quả rất là công bình và khách quan.

Tuy ông lão không cố ý giết người, không ác tâm giết người, nhưng dưới tay ông một đứa bé phải chết dần trong đau đớn. Quả báo đã trở lại với ông trong một trạng huống tương tự. Lưỡi dao nơi tay thằng bé đã cắm vào bụng ông khi mà ông và thằng bé đang thương quý nhau rất mực. Lòng hối hận và những chén cơm cúng vái đã xóa được nỗi hận thù với nhau, hơn nữa, còn kết chặt tình thân ái giữa ông và thằng bé trong vòng luân hồi vô tận này. Phước của sự sám hối đã khiến ông tỉnh táo trở lại trong những giờ phút cuối cùng để nói lên sự thật.

Sở dĩ có xảy ra tình trạng không cố ý giết người vì trước đó ông đã nung nấu cố tâm giết con heo. Tác ý bất thiện này đã gây ra nỗi bất an cho ông suốt mười mấy năm và chấm dứt bằng cái chết bi thảm. Nói là không cố ý, nhưng thật ra đã có cái cố ý giết con heo kia rồi. Tác ý bất thiện nào được nuôi nấng mãi cũng có ngày kết thành quả báo đau khổ. Thế nên, bước đầu trong sự tu hành, sư phụ chúng tôi thường dạy hàng cư sĩ tại gia kiểm soát xem tư tưởng của mình là thiện hay ác, nếu ác thì phải đình chỉ lập tức và thiện thì được tiếp tục. Trước khi làm chủ tâm trong định, chúng ta tập làm chủ tâm trong thiện niệm. Thiện niệm nào được nuôi nấng mãi mãi cũng có ngày trổ quả an vui.

Trong đời sống chúng ta dễ gây nghiệp vô ý rất nhiều.

Chúng ta xịt thuốc trị sâu rầy cho lúa, nhưng những ốc, tép, cá con, cả những vi sinh vật trong ruộng cũng đều bị tác hại. Người thợ làm bình accu để hơi acid bay sang các nhà lân cận làm cho nhiều người nhuốm bệnh. Đoàn văn nghệ về làng trình diễn xôn xao làm ảnh hưởng công phu tu tập của các sư trong chùa. Sự phá rừng lấy củi làm nước lũ kéo mạnh làm ngập lụt xóm làng. Phim ảnh tàn bạo gây thêm thú tính cho người xem. Tài vật quý giá để lộ liễu khiến lòng tham lam của người khác bị kích thích.v.v... Vô số những hậu quả tai hại của việc làm chúng ta mà chúng ta không lường trước nên không phải cố tâm. Những tác hại không cố ý đó đều có quả báo của nó. Gọi là không có tâm vì chúng ta si mê không đủ trí tuệ để thấy trước ảnh hưởng việc làm của mình. Nếu đủ trí tuệ, chúng ta có thể lường trước những ảnh hưởng phụ phía sau công việc của mình. Khi đã gây ra tác hại, quả báo chắc chắn phải đến.

Một người tiều phu quê mùa thản nhiên đốn những gốc cây lấy củi để kiếm sống, nhưng những nhà sinh thái học hết sức lo lắng về việc này. Một nhà máy hóa chất thải ra cống những cặn bã độc hại, những môi trường sống của sinh vật bị ô nhiễm và những trận mưa acid xói mòn nhà cửa, phá hoại hoa màu của nông dân. Cũng rất cần kiến thức khoa học để biết rõ những tác hại phía sau việc làm của mình.

Trên đây là những bất thiện nghiệp không cố ý. Quả báo của nó là đời sau người này rất Đạo Đức nhưng lại nghèo khổ khó khăn bệnh hoạn. Không ác tâm tạo nghiệp nên họ vẫn còn bản chất hiền lành, nhưng nghiệp vô tình đã gây vẫn làm họ vô cùng khốn đốn. Ngược lại có những thiện nghiệp không cố ý cũng đem đến quả báo công bằng. Vì tuân lệnh cấp trên người nhân viên thừa hành phải ngày đêm xây dựng cây cầu to nối liền hai bên bờ sông rộng. Người thực hiện điều này có khi là một kẻ bợm nhậu, chưởi thề bum thiên, thô bạo lỗ mãng, nhưng khi xây dựng xong chiếc cầu vĩ đại này, y đủ phước để làm người giàu có trong nhiều đời sau nữa. Bản chất dữ tợn thô lỗ nhậu nhẹt vẫn còn đeo đuổi y đến đời sau, nhưng y vẫn là một kẻ nhà cao cửa rộng, xe cộ xênh xang.

Đó là tại sao chúng ta thường gặp những kẻ giàu có mà kém Đạo Đức hoặc người nghèo khó lại hiền lành. Còn những Phật tử biết rõ Nhân Quả và cố gắng tu tâm tác thiện mới là những người vừa giàu sang vừa Đạo Đức ở đời sau.

 


Tổng số đánh giá: 0

Xếp hạng: 5 / 5 sao

Cùng chủ đề