Bà ngạc nhiên hỏi:
– Tôi nghe nói thầy ăn chay trường, tại sao lại dùng những con vật đó làm thuốc.
– Bà cứ mua về rồi biết.
Khi đã mua về, anh bảo bà tự tay thả từng con chim lên trời, ốc thả xuống sông, và cùng với lời cầu nguyện hồi hướng công đức để giải trừ căn bệnh. Sau đợt phóng sanh đầu tiên bà bắt đầu ngủ được. Bà phấn khởi tiếp tục phóng sanh song song với uống thuốc thang do anh Trực Trí bốc, và cơn bệnh giảm dần.
NHẬN XÉT:
Câu chuyện nhỏ này không nói hết những kết quả tốt đẹp mà công đức phóng sanh đem đến cho những người thực hiện. Có rất nhiều người thực hiện công đức phóng sanh và đã cảm ứng được những kết quả phi thường.
Do nghiệp sát sanh nên cảm quả báo bệnh hoạn, thì cũng do nghiệp phóng sanh để hóa giải bệnh hoạn.
Điều này dễ hiểu, tuy nhiên những quả báo phụ bên cạnh quả báo hết bệnh đó là sự giàu có. Thường khi muốn thực hiện việc phóng sanh, người ấy phải dùng tiền mua chuộc sinh mạng của thú vật sắp bị giết thịt để đem thả. Tiêu tiền cho việc từ thiện thì tiền bạc sẽ được sung mãn trở lại, đó là điều tất nhiên. Giải phóng những thú vật bị giam cầm trong lồng chậu cũng hóa giải được nghiệp tù đày một phần. Có những người không có ác tâm, hiền lành, nhưng cũng có khi bị lưu giữ tù túng vì một lý do nào đó. Quả báo lúc này có thể xuất phát từ nghiệp hay nuôi chim trong lồng, nuôi cá trong chậu. Phóng sinh có nghĩa là cứu mạng cũng có nghĩa là trả lại tự do. Hai ý nghĩa này sẽ trở thành hai quả báo là mạng sống vững chắc và đời sống tự do.
Trong lời nói của dân gian Việt Nam có thành ngữ "mạng lớn" là người thoát chết từ những tai nạn hiểm nghèo. Chiếc xe khách lật bên đường, hầu hết hành khàch đều bị tai nạn, duy có một người không chút hề hấn. Ông bà ta gọi người này "mạng lớn". Em tôi thuở mới lên 7 tuổi đã từng rớt từ độ cao bốn mét xuống nền xi măng. Sau khi đến bệnh viện khám xét, em tôi không bị một chút nội thương hay xây xát bên ngoài nào cả. Những sự thoát nạn lạ lùng này xuất phát từ công đức phóng sanh trong quá khứ.
Tương tự như vấn đề mạng sống, có những người được trả tự do trong hoàn cảnh ngặt nghèo đáng lẽ phải bị giam cầm bắt bớ. Sự may mắn không thể suy luận được này cũng đều là quả báo của công đức phóng sanh.
Lại nữa, sát sanh là nguyên nhân của chiến tranh tàn phá.
Con người giết thú vật một cách si mê, đâu biết rằng niềm oán hận khó thể nào xóa bỏ. Đến khi thú hết tội thành người đó là lúc ân đền oán trả. Có những cuộc chiến tranh kỳ lạ, hai bên giết nhau như điên dại mà không bên nào có chính nghĩa. Những nhân vật lãnh tụ vừa thiên tài, vừa tham vọng đã xua quân đánh chiếm khắp nơi. Họ như là một trợ duyên trong hiện tại để con người trả thù với nhau, giải quyết nợ máu với nhau từ nhiều kiếp. Những người yêu chuộng hòa bình đã đấu tranh, đã kêu gọi. Người ta đã tốn khá nhiều thì giờ và bút mực để bàn luận những phương hướng tìm kiếm hòa bình. Nhưng cái gốc của chiến tranh chính là nghiệp sát sanh thì không ai đề cập đến. Ngày nào con người còn giết hại thú vật ngày đó còn những người mẹ gạt nước mắt tiễn con đi về chiến tuyến, còn những người vợ khóc lóc nghe tin chồng tử trận, còn những đứa con bơ vơ không biết cha là người nào... Chiến tranh không bao giờ được giải quyết ổn thỏa khi con người còn tạo nghiệp sát sinh, chỉ có dừng tay giết hại, chỉ có công đức phóng sanh mới là nền tảng chân thật của hòa bình thế giới.
Người không có nghiệp sát sanh và thường hay phóng sanh sẽ được sống đời an ổn ở những vùng đất hòa bình. Có khi vì cộng nghiệp, họ cũng sinh trong một đất nước chiến tranh khói lửa, nhưng riêng khu vực họ cư ngụ, đại bác ít khi vang tiếng vọng về.