Dụng tâm khi bố thí

  • Thời gian

    18 thg 9, 2023

  • Lượt xem

    272 lượt xem


Trong tương đối chúng ta định nghĩa hai danh từ thường dùng như sau: – Phước là làm cho người được ích lợi. – Đức là cái tốt...

1175-dung-tam-khi-bo-thi

Quả báo trở lại do sự đầy đủ cả hai mặt Phước và Đức. Ở trong hai trường hợp được nêu ra, hai người đều đồng nhau về Phước, tức là những tài vật cúng dường cho các vị đức hạnh, nhưng đã sai biệt về Đức, tức là sự dụng tâm khi bố thí. Người thứ nhất đã dụng tâm một cách ích kỷ, bố thí vì mong cầu quả báo, bố thí vì truyền thống gia đình, bố thí vì bắt chước những người xưa, bố thí vì tìm vui thích. Do sự dụng tâm hẹp hòi, quả báo đưa họ về tầng trời thấp nhất là cõi Tứ Thiên Vương. Họ đã bố thí vì chính họ.

Người thứ hai đã dụng tâm chân chính hơn, bố thí để diệt trừ cấu uế của bỏn xẻn, bố thí vì tâm từ đối với mọi người, biết rõ Nhân Quả Nghiệp báo của hành vi bố thí nhưng vẫn không mong cầu quả báo. Do sự dụng tâm cao thượng như vậy nên quả lành đã đưa họ về cõi Phạm Thiên. Cõi cai quản các tầng trời khác và không còn trở lại trạng thái thấp kém của cõi người bất an này. Từ cõi Phạm Thiên, nếu thắng duyên được nối tiếp, họ sẽ tiến tu để thể nhập Niết Bàn.

Chúng ta cần thực hiện đầy đủ cả Phước và Đức, phải làm lợi ích cho người và phải trang nghiêm tự tâm bởi những tâm hạnh cao cả. Có thể có người đã gột rửa tâm mình nhẹ bớt những ích kỷ, hiềm hận, tham lam, tật đố, khoe khoang... nhưng vẫn chưa đem lợi ích nhiều cho người khác bằng tài vật và giáo lý, người này chưa cân xứng Phước Đức. Và khuyết một trong hai khía cạnh này, quả báo tựu thành không được thù thắng.

Tuy nhiên Phước và Đức không phải là hai điều hoàn toàn tách rời.

Người có tâm hồn cao cả mới có thể san sẻ bố thí, và ngược lại, người có san sẻ bố thí mới khiến tâm hồn cao cả hơn. Chính vì sự liên hệ hữu cơ này mà Phật đã nhấn mạnh ý nghĩa bố thí để trang nghiêm tâm. Chính từ hành vi bố thí, tâm bỏn xẻn được giải trừ, tâm tham lam được tẩy xóa, tâm từ ái được tăng trưởng, tâm độ lượng được phát huy, tâm buông xả được chói sáng.

Những tâm hạnh cao cả này đã là những điều kiện để đưa người vào Thánh vị.

Thật vậy, nếu khéo dụng tâm thì hành vi của bạn là một nhân lành giúp sự buông xả vọng tưởng dễ dàng trong khi tu tập Thiền Định về sau. Người bỏn xẻn giữ chặt tài sản sẽ tiếp tục giữ chặt những vọng tưởng và kiến chấp. Người tham lam tài sản sẽ tiếp tục tìm cầu vọng tưởng và kiến chấp. Còn người bố thí với dụng tâm chân chính sẽ tiếp tục buông xả dễ dàng những sở chấp vọng tưởng được tích tụ từ lâu. Không thể tin một người được gọi là vào sâu Thiền Định khi người này còn đôi bàn tay nắm lại. Phật Pháp chỉ có một vị là vị giải thoát, cũng như đại dương chỉ có một vị là vị mặn. Dù là hành vi bố thí, một công đức hữu vi, nhưng Phật vẫn dùng nó để trang nghiêm tâm, để chuẩn bị cho một cuộc vượt thoát vĩ đại về sau.


Tổng số đánh giá: 0

Xếp hạng: 5 / 5 sao

Cùng chủ đề