Tôn Giả Xá Lợi Phất – Đệ Nhất Trí Tuệ

  • Thời gian

    18 thg 12, 2023

  • Lượt xem

    196 lượt xem


Tôn giả sinh trưởng trong một gia đình Bà la môn giàu có nhất thôn trang Nalaka, thuộc làng Upatissa, cách kinh thành Vương Xá (Rajagaha) của nước Ma Kiệt Đà (Magadha) khoảng ba dặm đường. Ngài có sáu anh chị em, đặc biệt sau này tất cả đều theo Đức Phật

ton-gia-xa-loi-phat-de-nhat-tri-tue-400

I. TÔN GIẢ XÁ LỢI PHẤT  – XUẤT THÂN – CHỨNG ĐẠO

Tôn giả sinh trưởng trong một gia đình Bà la môn giàu có nhất thôn trang Nalaka, thuộc làng Upatissa, cách kinh thành Vương Xá (Rajagaha) của nước Ma Kiệt Đà (Magadha) khoảng ba dặm đường. Ngài có sáu anh chị em, đặc biệt sau này tất cả đều theo Đức Phật xuất gia và trở thành những vị A La Hán kỳ tuyệt.

Ngay từ thời thơ ấu, Tôn giả Xá Lợi Phất có một người bạn thân là Ngài Mục Kiền Liên (Maha Moggallana). Cả hai đều thông minh xuất chúng, tài đức vẹn toàn khiến xa gần mọi người đều kính nể. Theo sau Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên luôn có hàng trăm thanh niên Bà la môn xin theo làm môn đệ. Thấy rõ cuộc đời này hư ảo, tạm bợ, đôi bạn ấp ủ trong lòng khát khao tìm cầu chân lý giải thoát. Họ đã xuất gia xin làm đệ tử của Đạo sĩ Sanjaya, thế nhưng vị đạo sĩ đã không đủ giới đức và trí tuệ để làm thầy của hai thanh niên ưu tú này. Vì vậy, họ lại tiếp tục hành trình kiếm tìm ánh sáng đạo mầu.

Buổi sáng hôm đó, Ngài Xá Lợi Phất đang bộ hành giữa kinh thành Vương Xá nhộn nhịp. Dòng người ngược xuôi tấp nập, ồn ã nhưng trong lòng người thanh niên ấy tràn đầy suy tư. Chợt Ngài thấy từ phía xa thấp thoáng dáng hình của một vị Sa môn đang ôm bình bát đĩnh đạc bước đi. Vị Sa môn quấn tấm y nâu sòng giản dị nhưng toàn thân Ngài như tỏa hào quang dịu mát, vừa uy nghi mà vừa khoan thai thoát tục. Mỗi một cử chỉ, một cái nhấc tay, một bước đi, một cái nhìn của Ngài đều toát lên niềm an lạc không vẩn gợn.

Ngài Xá Lợi Phất như bị cuốn hút cả thân tâm, cứ lặng lẽ bước theo sau vị ấy một cách vô thức. Cho đến một khoảng vắng phía ngoài thành, Ngài mới quỳ xuống chắp tay:

Thưa Tôn giả, con là Xá Lợi Phất sống tại làng Upatissa ở gần đây. Con trông thấy Tôn giả mà lòng rộn lên niềm quý kính không tả được. Dung nghi của Tôn giả sáng rỡ mà thanh tịnh. Tôn giả là đệ tử của ai, đang thực hành giáo Pháp nào? Xin Ngài hãy chỉ bảo để con được tỏ lòng ạ.

Lúc đó, vị Tôn giả giới thiệu Ngài là Thuyết Thị (Assaji), đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Rồi Ngài tuyên kệ:

Các Pháp do duyên sinh
Rồi cũng do duyên diệt
Thầy ta Đại Sa Môn
Đã tuyên thuyết như thế

Câu kệ vừa được đọc xong thì Ngài Xá Lợi Phất bừng ngộ, thốt lên rằng: “Tuyệt vời thay đạo lý! Con đã thấy Pháp, tâm con đã ngộ Pháp!”. Giờ phút ấy, Ngài Xá Lợi Phất đã chính thức bước vào dòng Thánh, chứng đắc quả Dự Lưu, niềm xúc động dâng lên chiếm trọn tâm hồn. Ngài cúi lạy Tôn giả rồi chắp tay hướng về phía bầu trời đảnh lễ Thế Tôn hồi lâu.

Ngay trong buổi sáng hôm ấy, Ngài Xá Lợi Phất quay về tìm gặp người bạn thân Mục Kiền Liên. Khi Ngài vừa nhắc lại bài kệ trên thì gương mặt Ngài Mục Kiền Liên cũng ngập tràn ánh sáng, họ reo lên vui mừng. Hai người cùng đến chào và giã từ Đạo sư
Sanjaya rồi ngay lập tức đến tinh xá Trúc Lâm (Veluvana) kiếm tìm Bậc Giác Ngộ. Hàng trăm thanh niên môn đệ cũng theo bước các Ngài.

Tinh xá Trúc Lâm nằm giữa một khu rừng tre xanh mát, nơi con người sống hòa hợp với thiên nhiên. Đoàn người đi theo lối mòn tiến vào, một khoảng sân rộng hiện ra, các vị Tỳ kheo và cư sĩ ngồi trang nghiêm kín cả những góc xa. Đức Phật đang ngồi phía cuối sân. Khi thấy Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên, Người liền dừng lại ngợi khen: “Kia là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, thật là một đôi bạn phước duyên hoàn hảo! Hãy đến đây với Như Lai!”.

Tất cả mọi người đều quay lại nhìn, lòng đầy ngưỡng mộ. Hai vị như chạy đến trước Thế Tôn. Vừa đảnh lễ xong ba lễ, lập tức hai vị ở trong dáng hình của một vị Tỳ kheo với tấm y nâu sòng và tóc đã được phủi sạch. Các thanh niên khác trong đoàn cũng lần lượt được xuất gia.

Sau khi nhận được sự hướng dẫn về các đề mục thiền quán, cả hai vị đều tinh tấn thiền tọa đêm ngày. Chỉ một tuần sau, Tôn giả Mục Kiền Liên chứng đắc Tứ quả A La Hán. Và cũng chỉ hai tuần sau đó, Tôn giả Xá Lợi Phất cũng chứng ngộ Thánh quả giải thoát tuyệt đối, chấm dứt sinh tử luân hồi. Trước tất cả đại chúng, Thế Tôn tuyên bố giao cho hai vị trọng trách Thống lĩnh Tăng đoàn.

II. TÔN GIẢ XÁ LỢI PHẤT  – THỐNG LĨNH TĂNG ĐOÀN

Không một đoàn thể nào trên thế gian có thể sánh được với Tăng đoàn của Đức Phật. Ngay khi bình minh chánh Pháp vừa ló rạng, Tăng đoàn đã trở thành quê hương, là mái nhà quy tụ của những Thánh nhân sáng ngời đức hạnh. Nếu như Đức Phật là vầng dương tỏa nắng, thì Tăng đoàn chính là mảnh đất ươm gieo cho hạt giống giác ngộ nảy mầm. Bởi vậy mà trọng trách Thống lĩnh Tăng đoàn thật thiêng liêng và cao cả. Sự ổn định, phát triển của Tăng đoàn chính là tương lai của Phật đạo. Tôn giả Xá Lợi Phất đã chu toàn nhiệm vụ ấy không một điều khiếm khuyết.

Sau khi đón nhận trọng trách từ Thế Tôn, chiều hôm ấy Tôn giả Xá Lợi Phất và Tôn giả Mục Kiền Liên thả bước dạo quanh một vòng để quan sát. Tinh xá Trúc Lâm đẹp quá, từng căn chòi nhỏ lợp mái rạ nằm đan xen dưới bóng những hàng tre, nắng chiều vàng nhạt, hắt lên dòng sông với những gợn sóng lăn tăn lấp lánh. Thế nhưng trong tương lai, tinh xá sẽ phải đủ quy mô để rộng lòng đón tiếp hàng ngàn thiện nam tín nữ từ khắp mọi miền, cuộc sống sinh hoạt cũng cần thuận tiện hơn để chư Tăng có thể dồn sức cho công phu tu tập. Hai Ngài tiếp tục bước nhẹ nhàng trên các lối đi, mặt đất mềm và mịn nhưng sẽ trở nên lầy lội khi những cơn mưa mùa hạ tìm đến. Ngài Xá Lợi Phất từ tốn bảo:

Thưa hiền huynh, có lẽ chúng ta cần phải sắp xếp lại khá nhiều ạ.
Dạ, hiền huynh cứ đưa ra ý tưởng, tôi sẽ phụ một tay.

Rồi hai Ngài bay lên đứng giữa không trung, Tôn giả Mục Kiền Liên phất cánh tay phải, một lớp đá nhỏ ngay lập tức bay đến lát thành những con đường cao ráo sạch sẽ. Còn Tôn giả Xá Lợi Phất cũng như trở thành một kiến trúc sư tài hoa, cẩn thận thiết kế những bố cục, vị trí, khối hình một cách khéo léo. Ngài đặt mình vào từng nhu cầu thiết thực của mọi người để sắp xếp cho chu đáo cụ thể, rồi lại ngắm nhìn toàn cảnh như đang vẽ lên một tuyệt tác nghệ thuật vào trong lòng thiên nhiên. Những chiếc bàn đá nằm rải rác cạnh các rặng tre để buổi chiều các vị Tỳ kheo có thể ngồi đàm đạo giáo lý. Giảng đường được nới rộng gấp ba lần, phía trên có một tòa ngồi bằng ngọc thạch với mái che. Các căn nhà lá thiền tọa nằm khiêm cung dưới những tàng cây thoáng mát và yên tĩnh. Khu tắm giặt ẩn mình kín đáo bên hồ nước trong xanh, những khóm cỏ hoa xen kẽ điểm xuyết giữa những khoảnh sân, những lối đi kinh hành, những mái hiên nhà xinh xắn. Riêng hương thất của Thế Tôn nằm vừa vặn trên một nền đất cao rộng cạnh một dòng suối nhỏ hát reo, ban ngày thì có khóm tre tỏa bóng, đêm xuống có thể bên ô cửa đón ánh trăng lên. Hôm đó khi chư Tăng trở về, tinh xá Trúc Lâm đã khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn mới, vừa khang trang đầy đủ nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp đầy giản dị thanh lương.

Sau này, chính Tôn giả Xá Lợi Phất đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng tinh xá Kỳ Viên (Jetavana). Tinh xá nằm trên một khu đất rộng, ven trục đường chính dẫn đến kinh thành Xá Vệ (Savatthi) của vương quốc Kosala. Đó là một nơi vô cùng phồn vinh và thịnh vượng, tập trung nhộn nhịp những hoạt động giao thương, kinh tế, văn hóa, triết học, tôn giáo… của lục địa Ấn Độ xưa. Bằng trí tuệ phi thường, Tôn giả Xá Lợi Phất đã thấy trước tương lai phát triển của Phật Pháp tại nơi đây. Vì vậy, Ngài chỉ huy xây dựng tỉnh xá mang quy mô và tầm vóc bậc nhất thời bấy giờ. Tinh xá bao gồm nhiều khu lớn nhỏ, được phân chia và bố trí hợp lý. Trong đó có đầy đủ các khu giảng đường, nhà hội (nơi hội họp Tăng sự, giáo giới chư Tăng), nhà ăn, nhà khách, bệnh xá, nhà kho, khu vực giếng nước, nhà tắm, nhà vệ sinh… tất cả đều tươm tất, gọn gàng. Thời điểm bắt đầu khởi công, Ni đoàn chưa được thành lập. Tuy nhiên, tỉnh xá đã được quy hoạch để chuẩn bị mở rộng xây dựng thêm khu riêng biệt cho các Tỳ kheo Ni. Kiến trúc được thiết kế theo tiêu chuẩn và kỹ thuật tiến bộ với những mái vòm nóc nhọn, những hoa văn trang nhã, những căn phòng vững chãi và sạch sẽ bằng chất liệu mây gỗ và gạch đất nung. Tinh xá dù vô cùng tiện nghi nhưng vẫn rất hài hòa với thiên nhiên. Bên trong rải rác các hồ nước, những dòng suối, các thảm cỏ hoa và đặc biệt được phủ rợp dưới bóng mát của những tàng cây rộng lớn.

Thực tế chứng minh, tinh xá Kỳ Viên đã trở thành trung tâm tu học và hoằng Pháp lớn nhất của Tăng đoàn. Đức Thế Tôn về tinh xá an cư trong 19 mùa kiết hạ. Và cũng tại đây, Người đã thuyết giảng 844 bài kinh, chiếm số lượng lớn trong tam tạng kinh điển.

Tôn giả Xá Lợi Phất đã thổi hồn vào trong nề nếp sinh hoạt của Tăng đoàn. Mỗi buổi ban mai khi sương đã tan dần trên cành lá, các vị Tỳ kheo cũng kết thúc thời tĩnh tọa đầu tiên và bắt đầu chia nhau những công việc lao tác. Có rất nhiều việc: bàn ghế cần được sắp xếp lại ngay ngắn, lá đã rơi đầy trên sân sau một đêm mưa gió, mấy vị đang ốm vẫn chưa khỏe hẳn cần được chăm sóc… Hôm nay Thế Tôn có buổi giảng, những đoàn thiện tín sẽ tìm về đông đảo lấp kín khu giảng đường và đầy trên cả các lối đi, phải có huynh đệ hướng dẫn chăm lo cho họ… Dù vậy, nhờ các việc được phân công khéo léo nên không vị nào bị quá vất vả, vừa có thể giữ sức cho các thời công phu chiều vừa có thể nhẹ nhàng giữ chánh niệm khi lao tác. Bước chân vào tinh xá là hòa mình vào một thế giới nội tâm đầy bình yên và tĩnh lặng. Các vị luôn ân cần hồn hậu, mọi việc được cẩn thận chu toàn mà chẳng ai thấy mình phải gắng sức, người quét lá cũng thấy an nhiên, người bước đi thì đầy thong dong đĩnh đạc. Cứ như thế nề nếp của Tăng đoàn diễn ra đều đặn, nhịp nhàng như hơi thở của thiền.

Khi cuộc sống của Tăng chúng đã ổn định và được tự giác duy trì, thì Tôn giả Xá Lợi Phất lại khéo giấu mình vào những hi sinh thầm lặng, trong sự tận tụy không ngơi nghỉ. Tâm hồn của Ngài luôn đặt vào cả đại chúng. Với tài y lý, Ngài trực tiếp đảm nhận việc thuốc thang chữa bệnh. Trong những mái am nhỏ, dưới bóng của những rặng tre, bên cạnh dòng suối reo, thi thoảng mọi người lại bắt gặp bóng dáng của vị Thượng Thủ đang chăm sóc cho các Tỳ kheo bị ốm. Trong những buổi du hành, Ngài thường không dẫn đầu chư Tăng hoặc ngay sau Thế Tôn mà lại hay ở cuối hàng. hướng mắt dõi theo từng bước chân của chư Tăng đề có thể giúp đỡ các vị khi cần. Do vậy trong một lần Ngài về nơi tạm trú rất trễ và không còn chỗ nằm. Ngài mỉm cười an vui dành tặng nơi nghỉ ngơi tốt nhất cho huynh đệ, phần bản thân mình thì lặng lẽ giăng lều giữa những tán cây, tọa thiền suốt đêm, làm bạn với sao trời và tiếng côn trùng trên đất.
Uy đức của một vị Thượng Thủ đầy trí tuệ, bản lĩnh đã khiến chư Tăng nể phục. Bên cạnh đó, tấm lòng luôn bảo bọc thương yêu đã đưa Ngài trở thành hình ảnh một người anh cả mẫu mực trong Tăng đoàn. Nhờ vậy Ngài đoàn kết Tăng đoàn một cách hiền hòa tự nhiên. Mỗi lời chỉ bảo, hướng dẫn, khuyến tấn đều được chư Tăng lắng nghe và vâng lời trong niềm quý kính.

Lần đó, Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) ly khai khỏi Tăng chúng, lôi kéo hơn năm trăm vị Tỳ kheo trẻ tin theo. Hai Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên phải đích thân tới khuyên nhủ. Các Ngài chỉ ân cần bảo ban, không kết tội cũng chẳng trách cứ. Ngài Xá Lợi Phất giảng thêm cho mọi người nghe bài Pháp về Tứ Diệu Đế. Trong đó Ngài khéo léo khơi gợi về sự cao cả của Thế Tôn, về tình gắn bó thiêng liêng giữa chư Tăng rồi lại kiên nhẫn giải thích rõ những điểm đã gây hiểu lầm. Ngài vừa nói mà như vừa thương yêu, bao dung, tha thứ. Với tấm lòng của một người huynh trưởng, Ngài lay động tâm tư cả đại chúng. Các vị Tỳ kheo đều chăm chú lắng nghe, lòng dâng tràn xúc động. Khi thời Pháp kết thúc, Tôn giả nhẹ nhàng lên tiếng:
Bây giờ, những vị nào là đệ tử của Đức Thế Tôn, xin hãy theo tôi trở về.

Cuối cùng, chẳng ai bảo ai, các vị lặng lẽ bước vào hàng theo chân Tôn giả Xá Lợi Phất và Tôn giả Mục Kiền Liên về lại tinh xá. Tăng chúng vẫn luôn mở rộng vòng tay chào đón các vị trở về.

III. TÔN GIẢ XÁ LỢI PHẤT – VỊ TƯỚNG QUÂN CHÁNH PHÁP

Bắt đầu từ đêm thành đạo nhiệm màu nơi cội cây Bồ Đề, con đường cao thượng của chư Phật, trước đây bị che lấp bởi lớp bụi thời gian dày đặc, đã được Đức Thế Tôn khám phá, hồi sinh và tuyên giảng lại cho nhân thiên. Bởi vậy, Người được tôn xưng là “Đấng Pháp Vương Vô Thượng” trong tam giới.
Hơn 45 năm Đức Thế Tôn hóa độ khắp thế gian, Tôn giả Xá Lợi Phất luôn là cánh tay trợ giúp đắc lực nhất. Thế Tôn xác quyết rằng: “Xá Lợi Phất có thể chuyển bánh xe Pháp mà Như Lai đã chuyển vận một cách chân chính”. Bởi vậy, trong vương quốc của đạo mầu, Thế Tôn đã tuyên dương Ngài là bậc “Tướng Quân Chánh Pháp”.

Mỗi khi Đức Thế Tôn giảng một bài Kinh, Tôn giả Xá Lợi Phất sẽ là người hệ thống hóa, đúc kết những tinh hoa rồi giải thích lại chi tiết, cụ thể cho những vị Tỳ kheo hoặc cư sĩ còn chưa hiểu. Ngài cũng thường xuyên khéo léo nhắc nhở, khuyến tấn huynh đệ mình tiến tu.
Lúc hướng dẫn huynh đệ như thế, Ngài vô cùng nhu nhuyễn, nhẫn nại, uyển chuyển và kiên trì như suối nguồn ngọt mát. Khi các vị còn chỗ chưa thâm hiểu, Tôn giả chẳng ngần ngại giảng giải, bảo ban, có khi lặp đi lặp lại cả trăm lần. Mỗi lần Ngài lại mở ra một khía cạnh khác nhau, lấy những hình ảnh phong phú làm ví dụ: một chiếc lá úa sắp lìa cành, tiếng sóng hải triều đập vào vách đá, một dấu chân voi trong đêm còn in đậm trên nền đất, những mái nhà lợp đơn sợ bên triền núi… Tất cả đều sẽ khiến tâm của thính giả tràn ngập niềm hứng khởi để tiếp tục thăng hoa trên đại lộ giải thoát. Số người được Tôn giả trợ duyên, hóa độ để đạt được những Thánh quả tâm linh nhiều vô số, có thể kể đến như Tôn giả A Nậu Lâu Đà (Anuruddha), đại tín chủ Cấp Cô Độc (Anathapindika), Trưởng lão Bhaddiya…

Đức Phật có lần tán thán Tôn giả Xá Lợi Phất là “một người mẹ hiền đem đến sinh mạng cho đứa con”. Ngài dẫn dắt chúng sinh đến Thánh quả Dự Lưu và tiếp tục khai thị, tuyên thuyết, hiển lộ một cách rộng rãi, bao la chân lý Tứ Diệu Đế. Bởi vậy mà không ít lần Đức Phật đã đưa Tôn giả lên thuyết Pháp thay Người. Đôi khi là do Người có duyên sự khác, nhưng có lúc Đức Bổn Sư cũng muốn ở bên chứng minh và trìu mến lắng nghe người đệ tử xuất sắc của mình dâng tặng nguồn đạo lý cho đại chúng. Cứ thế, những cơn mưa Pháp tỏa bay trong tình đạo thiêng liêng, thẩm mát lòng người giữa cuộc đời nắng hạn.

Trí tuệ của Tôn giả Xá Lợi Phất vô cùng toàn diện và phi thường. Nhiều lần, Đức Thế Tôn đã tán thán Ngài như một tấm gương chói ngời để đại chúng dâng lên niềm kính ngưỡng:

“Trong các vị đệ tử của Như Lai có đại trí tuệ, tối thắng là Xá Lợi Phất”.

“Này các Tỳ Kheo, Xá Lợi Phất là người con chánh tông của Như Lai, sinh ra từ miệng, sinh ra từ Pháp, do Pháp hóa thành. Là người xứng đáng thừa tự chánh Pháp, không thừa tự những pháp thế gian”.

IV. TÔN GIẢ XÁ LỢI PHẤT VÀ TÂM HẠNH CỦA ĐẤT

Sau mùa an cư kiết hạ, Tôn giả Xá Lợi Phất cùng một nhóm các vị Tỳ kheo xin Đức Phật đi hóa độ ở một nơi khác. Ngài đắp y ngay ngắn và mang bình bát đến chào từ biệt mọi người. Ngài cẩn thận gặp từng vị, khiêm cung chắp tay cúi chào rồi mới trở gót bước đi. Thế nhưng, chư Tăng ra tiễn quá đông khiến Ngài vô tình chào thiếu một vị. Vị Tỳ kheo ấy đùng đùng nổi giận, lấy đó làm cái cớ để thưa lên với Đức Phật rằng:
Bạch Thế Tôn, Ngài Xá Lợi Phật ỷ mình là lãnh đạo Tăng đoàn, không coi người khác ra gì cả.
Đức Phật nghe xong, từ tốn bảo: Ông có hiểu lầm gì không? Xá Lợi Phất không phải là một con người như thế.

Tuy nhiên, vị Tỳ kheo này vẫn một mực kết tội Ngài nặng nề, ông còn chạy đi kể với các Tỳ kheo khác. Câu chuyện trong phút chốc đã lan ra cả Tăng chúng. Những vị đã đắc đạo chỉ mỉm cười rồi nhẹ nhàng khuyên bảo nhưng một số vị Tỳ kheo mới xuất gia thì bắt đầu thấy hoang mang. Lúc đó Ngài Đại Ca Diếp (Maha Kassapa), Ngài Đại Ca Chiên Diên (Maha Kaccayana), Ngài A Nan (Ananda) đã nhanh chóng mời Tôn giả Xá Lợi Phất quay trở về, hy vọng rằng sự có mặt của Ngài mọi sự hiểu lầm sẽ bị đập tan Khi Ngài về, Đức Phật hỏi :
Này, Xá Lợi Phất. Có một vị Tỳ kheo đây không bằng lòng với Thầy bởi vì Thầy coi thường mọi người, không trọn vẹn với trách nhiệm mình được giao. Thầy hãy nói ra quan điểm của mình để cho đại chúng được biết.

Ngài Xá Lợi Phất trả lời thế này:

“Bạch Thế Tôn, xin cho con được nói lên ý niệm về quán thân mà con tu tập giữ gìn, cũng là món quà tinh thần mà con kính tặng các huynh đệ của con.

Bạch Thế Tôn! Lúc nào con cũng xem mình là đất. Đất bình an hoan hỷ khi được người giẫm đạp đi lên. Cũng vậy, con xin được bình an hoan hỷ khi có người xem thường, giẫm đạp. Đất sẽ rộng lòng đón nhận những rác rưởi bẩn thỉu mà người vứt bỏ, con cũng xin được rộng lòng đón nhận những ý nghĩ xấu cho con hay những lời nhục mạ nặng nề.

Bạch Thế Tôn! Cũng như đất chịu đựng sự cày xới để mọc lên những vườn cây trái ngọt hay ruộng lúa thơm ngon, con cũng xin chịu đựng sự tổn thương để vững bước mang cho đời những niềm vui hạnh phúc, Cũng như đất nâng niu đỡ đần cuộc sống mọi loài trên đất, con cũng xin tôn trọng đỡ đần bất cứ ai tìm đến con trong cuộc sống này.

Bạch Thế Tôn! Con xem mình như thanh niên Chiến đà la làm những việc hèn mọn nhất trong đời là đổ rác hay gánh phân, vui vẻ chịu người sai bảo. Con cũng xin vui vẻ làm những việc hèn mọn nhất, để được làm vui lòng mọi người.

Bạch Thế Tôn! Con xem mình như cái giẻ lau, xóa đi dơ bẩn của đời và nhận lấy sự dơ bẩn đó về mình. Con cũng xin nhận lấy mọi điều xấu xa, bẩn thỉu để cho đời được thơm sạch mát lành.

Bạch Thế Tôn! Con xem mình như nước, để rửa sạch cho đời rồi phần mình chảy ra cống rãnh. Con xin được phụng sự cho đời và còn lại mình trôi vào quên lãng mà thôi.

Bạch Thế Tôn! Con xem mình như củi lửa thắp lên ánh sáng và đun nấu thức ăn giúp ích cho đời rồi phần mình xin trở về tro bụi bay xa.

Bạch Thế Tôn! Con xem mình như gió thổi mát lòng người trong những buổi trưa hè, đem đến cho đời những cơn mưa phơi phới rồi phần mình tan vào cõi vắng hư vô.

Bạch Thế Tôn! Con xem thân này là vô thường ngày nào thành đất bụi bên đường, từng ngày sống là sự đòi hỏi của ăn uống, thở và đủ mọi thứ cung phụng vất vả.

Bạch Thế Tôn! Với suy nghĩ như vậy lòng con không hề xem thường hay có ác ý với bất cứ ai, với bất cứ một chúng sinh nào. Lòng con chỉ có tình thương tràn ngập đến muôn loài, mong cho mọi loài thương yêu nhau và tu theo Thánh đạo giải thoát.”

Hôm đó, Tôn giả Xá Lợi Phất đã cất lên tiếng rống của con sư tử để khẳng định chân lý, lời của Ngài vang xa đến cả các tầng trời rộng lớn. Khi bài Pháp vừa kết thúc, quả đất rúng động như một cơn địa chấn. Tất cả những người có mặt đã khóc, vị Tỳ kheo vu khống Ngài cũng không cầm được nước mắt, vội quỳ xuống xin Ngài tha thứ. Lúc ấy, Đức Phật mới bảo rằng:

Này Xá Lợi Phất, Thầy hãy chấp nhận lời hối lỗi của vị Tỳ kheo này, vì nếu Thầy không chấp nhận, ông ấy sẽ phải nhận quả báo thê thảm.

Tôn giả từ tốn chắp tay, bạch rằng:
Bạch Thế Tôn, con sẵn lòng tha lỗi cho Tôn giả đây và cũng xin Tôn giả tha thứ cho con, vì con đã làm phiền lòng ông.

Cả đại chúng chứng kiến sự việc đều chứa chan xúc động. Nhân đó, Đức Phật đọc lên bài kệ để ca ngợi Thánh hạnh cao quý tột cùng của Ngài:

Như đất không hiềm hận
Như trụ đá kiên trì
Như hồ trong thanh tịnh
Như bậc Thánh bay cao.

V. TÔN GIẢ XÁ LỢI PHẤT NHẬP NIẾT BÀN

Một ngày cuối mùa an cư kiết hạ, Tôn giả Xá Lợi Phất xả thiền và quét dọn sạch sẽ, ngăn nắp tịnh cốc của mình. Trong tỉnh xá Kỳ Viên, nắng đã nhạt màu và những cây cổ thụ bắt đầu trút lá. Tôn giả đứng lặng người ngắm nhìn cảnh vật nơi đây một lần cuối như tri ân biết bao ngày gắn bó, che chở nắng mưa, rồi Ngài bước đến giảng đường, quỳ xuống đảnh lễ dưới chân Đức Bổn Sư:

Kính bạch Thế Tôn, thời khắc của con đã đến, tấm thân tứ đại đang giục giã, xin Thế Tôn cho con được nhập Niết Bàn tịch diệt, con sẽ không quay trở lại luân hồi này nữa.
Cả không gian bỗng chốc im ắng như tờ, như lắng nghe từng hơi thở, từng dòng lệ trào ra ướt đẫm trên gương mặt của đại chúng. Đức Thế Tôn trìu mến nhìn người trưởng tử của mình, Ngài cất giọng đầm ấm:
Này Xá Lợi Phất, con hãy làm điều con cho là phải thời. Nhưng từ đây đại chúng sẽ không còn được trông thấy con, vị Thượng Thủ Tăng đoàn mẫu mực nữa. Con hãy để lại một thời Pháp cuối cho chư Tăng.
Vâng lời, Tôn giả bước lên một bảo tòa thấp hơn, ngồi trang nghiêm cất lời pháp âm. Thời Pháp như một khúc hát ngân nga đẹp vô ngần.

Bài Pháp thoáng hiện lại hình ảnh của cả trăm ngàn đại kiếp trước, Tôn giả đã phát nguyện để được quỳ xuống trước đôi chân của Thế Tôn như bây giờ. Và trong suốt hàng triệu lần xác thân tái hợp trong luân hồi, Ngài đã luôn là một người đệ tử trung thành và vâng lời Thế Tôn. Rồi trong kiếp sống cuối cùng, Thế Tôn đã đến với trần gian gióng tiếng trống bất tử xóa tan mây mờ u tối, tiếng hải triều âm vang đem lại chân lý nhiệm màu cho chư Thiên và nhân loại, Ngài vẫn luôn âm thầm ở bên hỗ trợ Người.
Khi dừng lời, Tôn giả quỳ xuống ôm chân Đức Bổn Sư thật lâu. Rồi Ngài chắp tay khải sám:
Bạch Thế Tôn, trong đời sống vừa qua hoặc trong vô lượng kiếp trước, nếu con có làm gì không vừa ý Thế Tôn, xin Người tha thứ cho con.

Này Xá Lợi Phất, không một lời nói hay hành vi nào mà Như Lai có thể quở trách con được. Con là một Tỳ kheo có trí tuệ và tấm lòng quảng đại. Như Lai cho phép con bước đi.
Tôn giả Xá Lợi Phất lạy tạ, đảnh lễ Đức Bổn Sư lần cuối, rồi Ngài từ từ rời khỏi đôi chân của Thế Tôn. Ngay lúc đó, địa cầu rúng chuyển như muốn tiễn biệt Ngài, một vị Thánh Tăng vĩ đại.
Sau cùng, bằng một cử chỉ chắp tay cao tôn kính, Tôn giả trở gót lui dần, Ngài cứ lui ngược như thế cho đến khi hình ảnh của Thế Tôn xa mờ…

Thế rồi Tôn giả lên đường trở về quê hương Nalaka, thăm lại mái nhà xưa, nơi đã nâng gót những bước chân của Ngài suốt những tháng ngày thơ ấu. Mẫu thân Ngài, bà Rupasari là một người phụ nữ quý phái, tuy đã lớn tuổi nhưng gương mặt bà vẫn ngời sáng những đường nét sang trọng. Cả bảy người con của bà đã xuất gia theo Thế Tôn và chứng đắc đạo quả, riêng bà vẫn coi đó là một nỗi hậm hực. Mẹ của Ngài Xá Lợi Phất không tin Đức Phật. Bà đem lòng kính ngưỡng, tôn thờ các đấng Phạm Thiên. Theo bà, chỉ có các vị này mới là vĩ đại nhất. Vì thế, Tôn giả Xá Lợi Phất về đây là để hóa độ cho thân mẫu trước khi nhập vào cõi Niết Bàn tịch diệt.

Hôm ấy, vào nửa đêm, tại căn phòng Ngài Xá Lợi Phất đang nghỉ, hương thơm tinh khiết bỗng tỏa ra ngào ngạt khắp không gian. Từ trên các tầng trời, những vầng ánh sáng ngũ sắc liên tiếp đáp xuống như những cánh sao bay, làm sáng rực cả căn phòng. Lúc này, bà Rupasari không cầm lòng được mới bước vào hỏi Tôn giả . Ngài kể cho bà rằng đó là chư Thiên các cõi trời Tứ Thiên Vương, vua trời Đế Thích, các đại Phạm Thiên đến để đảnh lễ Ngài. Bà Rupasari xúc động nghẹn ngào, hóa ra con trai bà còn cao quý hơn cả những đấng thần linh mà suốt bao nhiêu năm qua bà vẫn thờ phụng. Rồi bà nghĩ tưởng đến ân đức của Bậc Đạo Sư, Thế Tôn còn bao la và tôn quý biết nhường nào. Trong giờ phút ấy, niềm tin kính tột cùng với Tam Bảo bừng sáng, bà chứng Thánh quả Dự Lưu.

Tôn giả Xá Lợi Phất ngắm nhìn bà rồi nở một nụ cười hiền hậu. Hiếu hạnh đã hoàn thành viên mãn, những nghĩa tình thế gian đã đền đáp vẹn toàn, Ngài nhắm mắt nhập dần vào trong các tầng thiền rồi nhẹ nhàng xả bỏ tấm thân, an trú vào Niết Bàn tịch diệt. Bên ngoài, vầng dương vừa ló dạng phía đằng đông, những cánh hoa trời rơi rơi…

VII. THƠ TỤNG VỀTÔN GIẢ XÁ LỢI PHẤT

Thành tâm xin đảnh lễ Ngài
Bậc Thánh vô ngã vượt ngoài thế gian Thượng Thủ Thống Lĩnh Tăng Đoàn
Tướng Quân Chánh Pháp muôn vàn uy nghi Tột cùng khiêm hạ từ bi
Trí Tuệ Đệ Nhất không gì sánh ngang
Núi cao, biển rộng, mây ngàn
Khắp nơi vang động lời Ngài dạy răn
Tiếng sư tử rống gầm vang
Phá tan đêm tối, thênh thang con đường Hướng về giác ngộ phi thường
Niết Bàn tịch diệt muôn phương không lời Lặng lẽ tận tuy không ngơi
Xin được làm đất cho đời nở hoa
Cho người giẫm bước chân qua
Bình an thanh thản hiền hòa bao dung
Vững như trụ đá kiên trung
Niềm tin kính Phật nghìn trùng không phai Chúng con nguyện bước theo Ngài
Tâm hồn đẹp tựa sao mai bên trời
Hạnh phúc đem tặng cuộc đời
Hy sinh phụng sự cho người an vui
Thân này giả tạm mà thôi
Tham sân si mãi chôn vùi tâm linh
Xin nguyện sống rất nghĩa tình
Trước sau trọn vẹn giữ gìn thâm ân
Bước qua cuộc sống thế nhân
Cho con cúi xuống biết ơn vạn loài
Tiếng ru bên võng đêm dài
Vòng tay ẵm bế những ngày ấu thơ
Bài học từ thuở ban sơ
Tán cây che chở ước mơ yên bình
Ơn Phật trải khắp chúng sinh
Gửi tình thương lớn muôn trùng biển khơi
Lan xa chánh Pháp đẹp ngời
Tâm hồn yên lắng là nơi trở về
Thắp nguồn chân lý bình minh soi đường
Biết ơn chiến sĩ dặm trường
Biết ơn Tổ quốc quê hương anh hùng
Xin nguyện lòng rất khiêm cung
Đường thiền gian khó chẳng nề
Bến bờ giải thoát hướng về mai sau…

Nam Mô Đệ Nhất Trí Tuệ Thống Lĩnh Tăng Đoàn Xá Lợi Phất Tôn Giả (3 lần)


Tổng số đánh giá: 0

Xếp hạng: 5 / 5 sao

Cùng chủ đề