I. TÔN GIẢ ƯU BA LY – XUẤT THÂN – CHỨNG ĐẠO
Tại một xóm nghèo ngoại ô kinh thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu), dưới những căn nhà nhỏ bằng vách đất đơn sơ tựa vào nhau san sát, là thế giới của những người dân cùng khổ. Tuy giản dị nhưng luôn đầy ắp tình thương. Họ giúp đỡ nhau, nương nhờ nhau và không bao giờ ngần ngại dành tặng cuộc đời những nụ cười rạng rỡ. Tôn giả Ưu Ba Ly đã sinh ra và lớn lên ở một nơi như thế, và trái tim Ngài cũng đã chất chứa những điều lương thiện, nồng ấm như thế.
Thuở thiếu thời, vì điều kiện gia đình Ngài đã phải sớm trở thành một người thợ cắt tóc để phụ giúp việc mưu sinh. Công việc không quá nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự tinh tế, vô tình lại rất phù hợp với những đức tính sẵn có của Ngài. Người thợ cắt tóc tài hoa ấy có thể tỉ mỉ tỉa từng chút trên lọn tóc mai, khéo léo chải bới gọn gàng mái đầu của khách hàng thành kiểu ngay ngắn. Vào thời đó, một mái tóc được búi cẩn thận, đúng kiểu cách nói lên nhiều điều về tầng lớp của một con người, vì vậy người thợ cắt tóc Ưu Ba Ly được nhiều người quý mến. Ngài cũng được các vương tử ưu ái và thường xuyên mời vào hoàng cung để sửa sang mái đầu cho họ.
Vào một buổi sáng mùa thu, Thế Tôn trở về kinh thành Ca Tỳ La Vệ trong sự đón chờ của tất cả dân chúng. Người dân quỳ lạy hai bên đường, rải những bông hoa thơm ngát trên lối đi mà Thế Tôn và Tăng đoàn đang bước đến. Ngài Ưu Ba Ly cũng ngây ngất hòa mình cùng đoàn người. Được chiêm ngưỡng dung nghi sáng ngời của Thế Tôn, bất giác trong lòng Ngài bỗng khởi lên những ước mơ thật đẹp, nhưng nghĩ đến thân phận của mình Ngài cố nén lòng…
Ngày hôm sau, tại quảng trường rộng lớn trước hoàng cung, Thế Tôn thuyết Pháp cho tất cả người dân của Ca Tỳ La Vệ. Hàng ngàn chư Tăng ngồi phía sau uy nghi, đĩnh đạc. Thế Tôn rực rỡ như một ngọn núi châu báu, hào quang tỏa ra dịu mát, giọng của Người trầm ấm vang vọng. Trong cuộc đời của Ngài Ưu Ba Ly chưa bao giờ được chứng kiến một khung cảnh huy hoàng đến thế, Thế Tôn thật cao quý, đạo lý của Người thật cao quý, các chư Tăng đệ tử của Người cũng tràn đầy Thánh hạnh. Ngài Ưu Ba Ly lại ước mơ và lần này nó thôi thúc mãnh liệt không ngừng, cho đến cuối bài Pháp khi Thế Tôn tuyên bố:
Này đại chúng, không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, không có giai cấp khi nước mắt cùng mặn. Giáo Pháp của Như Lai là dành cho tất cả mọi người.
Thì tâm hồn Ngài Ưu Ba Ly cũng vỡ òa trong xúc động. Ngài nghĩ đến những nụ cười vui vẻ hồn hậu nơi xóm nghèo, Ngài nhớ lại những bất công, tủi cực mà họ đã phải chịu đựng trong xã hội, rồi những đau khổ triền miên khi cơn gió vô thường tràn qua kiếp người. Ngài thấm thía rằng, chỉ có giáo Pháp của Đức Như Lai mới có thể đem đến niềm hạnh phúc chân thực trên cõi đời… Thế là, vào một buổi chiều bên hương thất của Thế Tôn, người thợ cắt tóc thuần lương ấy đã quỳ dưới chân của Người xin xuất gia. Đức Bổn Sư gật đầu đồng ý.
Sau khi được Tôn giả Xá Lợi Phất (Sariputta) phủi tóc và thọ giới Tỳ kheo, Ngài Ưu Ba Ly nhận đề mục thiền quán rồi tinh tấn tu hành ngày đêm không phút giây xao lãng. Một thời gian sau, Ngài chứng đắc quả vị A La Hán tột cùng, là bậc Thánh giác ngộ vượt ra ngoài trầm luân sinh tử. Kể từ đây, Ngài đi vào sử sách với công hạnh “Đệ Nhất Giới Luật”, mang lại vô số lợi ích cho chúng sinh.
II. TÔN GIẢ ƯU BA LY – ĐỆ NHẤT GIỚI LUẬT
Giới luật là khuôn phép chuẩn mực để tu tập, một biểu tượng thiêng liêng của người xuất gia. Nỗ lực thực hành giới pháp sẽ giúp cho các vị tu sĩ có thể dứt khoát, kiên định thúc liễm giữ gìn đức hạnh thanh tịnh, gieo nhân lành chứng Thánh quả về sau. Nhờ có giới pháp mà Tăng đoàn chặt chẽ và vững mạnh, Tăng chúng sống an lạc trong giới pháp chính là sự khẳng định chánh Pháp hưng long.
Đức Thế Tôn đã tán dương rằng: “Trong các đệ tử của Như Lai, Đệ Nhất Hành Trì Giới Luật chính là Tỳ kheo Ưu Ba Ly”.
Ngay từ khi mới gia nhập Tăng đoàn, Tôn giả hun đúc một ý chí giữ giới phi thường. Ngài khắc sâu trong tâm những lời dạy của Thế Tôn, rồi cẩn thận thực hiện với tất cả nghị lực trái tim mình như đang thi hành một mệnh lệnh thiêng liêng nhất. Ngài luôn nghiêm trì giới, dù là giữa chốn đông người náo nhiệt, những khi một mình nơi phòng vắng riêng tư, hay cả lúc ốm bệnh cần ngơi nghỉ…
Giới luật sống động trong từng cử chỉ, oai nghi của Tôn giả. Đó là khi Ngài tản bộ dưới bóng của những hàng tre xanh mát, khi nhẹ nhàng đặt bước chân dưới những lối đi kinh hành, lúc khiêm cung cúi chào một vị Tỳ kheo dù chỉ tình cờ bắt gặp thoáng qua trên đường. Ngài tiếp xúc với tín chủ trong một khoảng cách vừa đủ, lúc khất thực, tiếp chuyện hay thuyết Pháp đều từ tốn đĩnh đạc, không quá thân cận gần gũi mà cũng không xa vời trống vắng, vừa đủ để giữ oai nghi của một vị Sa môn đang tu hành Thánh hạnh giải thoát nhưng vẫn tỏa ra sự hiền từ ấm áp dành tặng cho người đối diện. Bất kỳ ai được chiêm ngưỡng Ngài cũng đều dâng lên niềm quý kính tự nhiên không thể diễn tả bằng lời, từ dáng đứng ngay thẳng như tùng bách, phong thái ngồi vững vàng, nụ cười hiền hậu mà kín đáo, ánh mắt từ bi, đến từng cái nhấc chân, đưa tay cũng đang bày tỏ giới đức sáng ngời.
Bắt đầu làm một việc gì, Tôn giả Ưu Ba Ly sẽ cân nhắc kỹ lưỡng xem việc đó có phù hợp với giới luật không, có chút gì sai với lời dạy của Thế Tôn không rồi mới thực hiện. Tôn giả luôn nghiêm trì giới luật. Dù cho giới là những nguyên tắc và khuôn khổ cứng rắn, nhưng Ngài chưa bao giờ vì thế mà trở thành cố chấp, khắt khe. Ngài nghiêm trang nhưng hòa ái. Ngài cẩn thận trong từng điều nhỏ nhặt mà lòng đầy bao dung. Bởi Ngài không chỉ giữ giới trên hình thức mà bằng cả trí tuệ và lòng từ bi. Ngài giữ gìn giới luật nơi bản thân mình càng chặt chẽ bao nhiêu thì lại càng lan tỏa tình thương đến chúng sinh rộng lớn bấy nhiêu. Nụ cười của Ngài thật hiền hậu. Từng cử chỉ, từng lời nói của Ngài vẫn luôn dịu dàng tế nhị mỗi khi cần phải nhắc nhở hay chỉ bảo các vị Tỳ kheo. Ngài không dung túng lầm lỗi nhưng thấu hiểu và cảm thông sâu sắc. Ngài mong mỏi chư Tăng sẽ vững vàng trong Thánh hạnh. Ở gần Ngài, ai cũng cảm phục vì uy đức nhưng luôn thấy lòng mình nhẹ nhàng, an vui.
Khi chứng đạt đạo quả giải thoát, với nội tâm thanh tịnh, Ngài thấy rõ những đúng sai trong mọi tình huống một cách sâu sắc, tinh tế và tường tận tới nghiệp duyên của nhiều kiếp. Ngài tự tại sống trong cuộc đời nhưng lại càng yêu thích khép mình trong giới luật chung của đại chúng. Ngài hạnh phúc và an lạc trong giới luật, Ngài nhận thấy giới luật là cả một bầu trời lấp lánh những vì sao trí tuệ. Thế Tôn dạy đừng uống nước khi chưa được lọc qua vải bởi trong ấy có hàng triệu chúng sinh vẫn đang tồn tại, Thế Tôn không cho làm tổn hại đến một nhành cỏ hoa vì đó cũng là sự sống của hành tinh, phải bảo vệ và thương yêu những hạt mầm tươi xanh ấy… Tôn giả luôn khắc ghi bên mình và truyền đạt những lời dạy đó đến đại chúng để mọi người cùng thực hiện. Giới luật chính là thể hiện sống động, thực tế, cụ thể của giáo Pháp mà Đức Như Lai giảng dạy. Bằng cách trân trọng thực hành giới, Ngài cũng đang bày tỏ lòng thương kính vô ngần lên Đức Bổn Sư.
Tôn giả thường hướng dẫn các tân Tỳ kheo phải luôn thận trọng, giữ gìn nghiêm mật giới luật như giữ gìn sự trong sạch của thân thể. Hãy kiên định và dứt khoát với mọi sự buông lung, mời gọi của thế gian nhưng cũng đừng bao giờ cố chấp mà trở thành khắt khe quá đáng, bởi giáo Pháp mới chính là cốt lõi. Giới luật chính là biểu hiện cao quý của một bậc Thánh, hãy trì tụng và thực hành theo các quy tắc dù nhỏ nhất, cẩn thận và chính xác, không phút giây lơi lỏng để tu sửa tâm hồn cho đến toàn thiện.
Trong Tăng chúng, Tôn giả Ưu Ba Ly tiên phong trong việc đề xuất các luật nghi, Ngài cũng thường xuyên ân cần thưa hỏi Thế Tôn để các quy tắc được phân định rõ ràng, dễ hiểu, trở thành một cẩm nang hướng dẫn ứng xử toàn diện sâu sắc. Nhờ đó mà các vị tu sĩ an tâm và vững vàng trong mọi những tình huống phức tạp, khó lường của thế gian. Sau khi Thế Tôn nhập Niết Bàn, Ngài chính là vị Thánh Tăng đảm đương trọng trách kết tập lại Luật Tạng, để lại một kho tàng đồ sộ quý báu với hàng trăm lời dạy thiêng liêng cho hậu thế muôn đời.
III. TÔN GIẢ ƯU BA LY – SỨ GIẢ HÒA BÌNH TRONG TĂNG CHÚNG
Điểm đặc biệt của giới luật là ai giữ được giới thì uy đức sáng chói, được sự tin tưởng của mọi người. Tôn giả Ưu Ba Ly không chỉ là bậc thầy về giới luật mà Ngài đã viên mãn tất cả Giới – Định – Tuệ, vì thế mỗi khi có tình huống khó phân xử thì mọi người đều mời Ngài đến phân xử.
Ngài công minh và tinh tế. Những phân xử của Ngài vừa đúng về lý lại hợp cả về tình, khiến tất cả mọi người đều nể phục, mang lại sự đoàn kết gắn bó cho chư Tăng. Trong những tháng năm miệt mài hoằng hóa, Tôn giả đã vân du đến khắp các đại chúng, sách tấn các vị Tỳ kheo hành trì giới luật và chánh Pháp, đồng thời cũng in dấu lại rất nhiều câu chuyện cảm động.
Một buổi sáng mùa thu tại tinh xá Kỳ Viên (Jetavana), Ni chúng đang chuẩn bị diễn ra một cuộc phân xử quan trọng. Trong khu sảnh đường, dưới những mái vòm được trang trí hoa văn thanh nhã là cả một không gian thoáng rộng, hai bên được chống đỡ bằng những hàng cột bằng đá vững chắc. Không khí trang nghiêm nhưng không nặng nề mà vẫn nhẹ nhàng thanh tịnh, bên ngoài hiên những khóm hoa đủ màu vẫn đang khoe sắc trong nắng nhạt mùa thu. Một hội chúng gồm cả bên Tăng và Ni được tập hợp, các vị ngồi ngay thẳng chia về hai bên sảnh đường. Trên một tòa ngồi được trải vải nâu, Thượng Thủ Xá Lợi Phất đang ngự uy nghi, gương mặt Ngài điềm tĩnh an hòa. Bên phía Ni chúng, Đức bà Ba Xà Ba Đề (Maha Pajapati Gotami) ngồi mỉm cười hiền hậu, chứng minh. Cả Hoàng hậu Mạt Lợi (Mallika) của vương quốc Kiều Tát La (Kosala) cũng tới tham dự, Hoàng hậu sẽ đại diện hoàng cung để tuyên bố kết quả cuộc phân xử cho dân chúng yên lòng. Người đứng ra phân xử hôm nay là Tôn giả Ưu Ba Ly, Ngài khiêm cung ngồi hòa cùng chư Tăng ở bên phải vị Thượng Thủ.
Thế rồi Tỳ kheo Ni Sohati bước vào. Gương mặt của cô xanh xao và hao gầy vì dư luận suốt những ngày qua, nhưng đôi mắt ngời sáng như bày tỏ một cốt cách trong sạch, kiên cường. Cô di chuyển hơi nặng nề khó khăn, chiếc y nâu rộng kín đáo đã khéo léo ẩn giấu câu chuyện… Cô đang mang thai. Sau khi đảnh lễ các bậc Trưởng lão, cô quỳ trước đại chúng. Lúc bấy giờ, Tôn giả Ưu Ba Ly mới lên tiếng hỏi:
Này Tỳ kheo Ni Sohati, cô hãy lắng nghe và thành thật trả lời từng câu hỏi trước đại chúng hôm nay. Tỳ kheo Ni Sohati, cô xuất gia được bao lâu rồi? Thời điểm nào thì cô biết mình đã mang thai?
Tỳ kheo Ni Sohati chắp đôi tay, ngước nhìn Tôn giả Ưu Ba Ly, rồi cất giọng xúc động hơi run trả lời:
Thưa Tôn giả, thưa đại chúng, con đã xuất gia được ba tháng và từ khi vào Ni đoàn con tuyệt đối thanh tịnh, không gần gũi hay tiếp xúc bất kỳ một người nam nào. Hoàn cảnh thật trớ trêu, khi con vừa mới xuống tóc được vài ngày thì những dấu hiệu của thai kỳ mới xuất hiện. Con thật bối rối, cả kinh thành đang xì xầm bàn tán, họ nói con đã làm mất hình ảnh của Ni đoàn. Kính xin Tôn giả từ bi phân xử cho con ạ.
– Tỷ kheo Ni Sohati, vậy cô có tâm nguyện gì không? – Tôn giả Ưu Ba Ly gửi đến cô một sự hiền từ lan tỏa trong ánh nhìn và giọng nói dịu dàng.
– Thua Tôn giả, con muốn được tiếp tục đời sống trong Ni chúng. Cách đây hai năm con đã xin được xuất gia nhưng cha mẹ không đồng ý còn ép gả con lấy chồng. Con đành phải nghe theo nhưng vẫn kiên nhẫn và thuyết phục chồng từng ngày. Cho đến cách đây ba tháng, chồng con mới đồng ý cho xuất gia, con sung sướng như được thoát khỏi chiếc lồng giam hãm tù đày của thế gian. Thưa Tôn giả, được sống cuộc đời của một Tỳ kheo Ni là mơ ước, nguyện vọng của con. Con sẽ chấp nhận tất cả để tiếp tục, nhưng còn đứa bé…
Tôn giả Ưu Ba Ly mỉm cười, giống như Ngài đã soi tỏ cõi lòng cô. Rồi Ngài tuyên bố dõng dạc:
– Thưa đại chúng, Tỳ kheo Ni Sohati từ khi xuất gia đã giữ gìn giới hạnh trong sạch, bởi vậy nếu xét theo luật nghi của người xuất gia thì vị ấy không sai phạm điều gì. Tâm nguyện của vị ấy cũng rất vững vàng, kiên định. Vì thế, tôi xin chư Tôn giả cho phép Ty kheo Ni Sohati vẫn được ở trong Ni đoàn bình thường.
Dù vậy, để bảo vệ cho cuộc sống của cô và làm lắng dịu những điều tiếng dư luận, Tỳ kheo Ni Sohati sẽ chuyển sang tinh xá Trúc Lâm (Veluvana) dưới sự quản lý và chăm sóc của Tôn giả Da Du Đà La (Yashodara). Khi được sinh ra, Tăng đoàn chính là mái nhà của đứa bé, bởi vậy cậu bé cũng sẽ được xuất gia ngay lúc ấy. Thưa đại chúng, chúng ta sẽ cùng yêu thương và đón chờ thành viên mới này của Tăng đoàn.
Sau khi nghe xong lời phân xử của Tôn giả Ưu Ba Ly, Thượng Thủ Xá Lợi Phất và Đức bà Ba Xà Ba Đề cùng nhẹ nhàng gật đầu ưng thuận, tất cả hội chúng đều hoan hỷ đón nhận lời phân xử thấu tình đạt lý ấy. Riêng Tỳ kheo Ni Sohati thì vui mừng bật khóc nức nở…
IV. KẾT LUẬN VỀ TÔN GIẢ ƯU BA LY
Đối với một người tu hành chân chính, Giới Định – Tuệ là ba nền tảng không thể thiếu, giống như ba chân kiềng giữ cho đời tu được vững vàng, cũng là ba nấc thang đưa hành giả tiến bước đến đỉnh cao giác ngộ. Trong đó, giới là một nền tảng cơ bản đầu tiên và bắt buộc. Vì thế Tôn giả Ưu Ba Ly đã trở thành một biểu tượng về giới đức, truyền niềm tin và động lực cho người con Phật suốt hơn hai mươi sáu thế kỷ qua.
Đặc biệt trong thời đại ngày hôm nay, thế giới trong sự bùng nổ của khoa học công nghệ với rất nhiều những cám dỗ mời gọi lan tràn, thì chỉ có noi gương Tôn giả Ưu Ba Ly chúng ta mới xứng đáng và đủ sức mạnh để tu hành và giữ gìn cho mạng mạch Phật Pháp được trường tồn.
V. TÔN GIẢ ƯU BA LY – Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH
Tôn giả Ưu Ba Ly là vị đệ tử có danh hiệu Đệ Nhất Giới Luật của Đức Phật. Ngài là biểu tượng cho giới đức cao tột. Ngài đã giúp cho những tu sĩ chưa chứng đắc Thánh quả giải thoát biết được điều gì đúng, điều gì sai để tu hành đúng lời Phật dạy. Từ đó, Tăng chúng được sống hòa hợp trong phạm hạnh, trong giáo Pháp của Như Lai. Người nào nghiêm túc hành trì giới luật, tu hành đúng giáo Pháp đã gieo cho mình phước lành để trở thành một bậc Thánh giác ngộ mai sau. Khi thờ kính Ngài quý Phật tử sẽ thành tựu:
– Sống an vui trong thanh tịnh, hành trì giới luật bằng trí tuệ và sự tinh tấn. Từ đó được nhiều quả báo lành trên con đường tu tập hiện đời và mai sau.
– Nhìn nhận các vấn đề khách quan, thấu tình đạt lý, giúp cho mọi người sống hòa hợp với nhau.
– Là người đáng tin cậy, được tin tưởng giao cho các nhiệm vụ quan trọng.
– Có được uy đức sáng ngời, được mọi người nể trọng
– Gặp nhiều may mắn trong cuộc sống
VI. THƠ TỤNG VỀ TÔN GIẢ ƯU BA LY
Muôn đời xin đảnh lễ Ngài
Đệ Nhất Giới Luật trong hàng Thánh Tăng
Kiên định chuẩn mực thường hằng
Huân tu giới đức ngồi nằm đứng đi
Thanh tịnh trong mỗi oai nghi
Giữ gìn giới hạnh không gì quý hơn
Tấm gương soi sáng tâm hồn
Bao người quy kính ngưỡng trông về Ngài
Sống đời giản dị thanh bai
Hành trì giới luật ngày ngày an vui
Không phóng dật, chẳng buông lung
Vượt qua cám dỗ ngọt bùi thế gian
Lợi danh, sắc đẹp, bạc vàng
Không sao lay chuyển, lòng càng quyết tâm
Tìm xem từng chút lỗi lầm
Cẩn thận tinh tế mỗi lần nghĩ suy
Từng lời nói, từng bước đi
Chỉ theo chánh Pháp, chỉ vì chúng sinh
Quay về xét lỗi chính mình
Bước vào cánh cửa tu hành gian nan
Chiến đấu với những tham lam
Sân hận, đố kỵ, mê lầm, ghét ganh
Xin dâng lên Phật tâm thành
Chúng con bao kiếp vô minh đắm chìm
Theo Phật mở lối tâm linh
Phá tan u tối điêu linh mỏi mòn
Chúng con nguyện sẽ kết đoàn
Dựng xây chánh Pháp huy hoàng mai sau
Dẫu cho bao kiếp dãi dầu
Chúng con chẳng ngại đương đầu hiểm nguy
Phật cho con biết đường đi
Hạnh phúc giác ngộ chẳng gì sánh ngang
Trải qua nghìn kiếp lang thang
Khổ đau thấu rõ, lòng càng thiết tha
Lòng tôn kính Phật bao la
Tận cùng tuyệt đối như là ánh dương
Mãi mãi chỉ một con đường
Yêu thương chan rải, vô thường khắc ghi
Nghìn đời chỉ một đường đi
Tìm về Vô Ngã, chẳng gì là ta…
Nam Mô Ưu Ba Ly Tôn Giả (3 lần)
Nguồn: Thánh Độ Mệnh – TÔN GIẢ ƯU BA LY (UPALI)