Tôn Giả Mục Kiền Liên – Đệ Nhất Thần Thông

  • Thời gian

    18 thg 12, 2023

  • Lượt xem

    188 lượt xem


Tôn giả Mục Kiền Liên chào đời tại một ngôi làng nhỏ gần kinh đô Patna của vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha), nay thuộc tiểu bang Bihar, Ấn Độ. Ngài có một người bạn rất thân thiết là Ngài Xá Lợi Phất (Sariputta).

ton-gia-muc-kien-lien-de-nhat-than-thong-399

TÔN GIẢ MỤC KIỀN LIÊN (MAHA MOGGALLANA) ĐỆ NHẤT THẦN THÔNG – THỐNG LĨNH TĂNG ĐOÀN

Như núi đá vững vàng và bất động
Bậc Thánh nhân thanh tịnh giữa cuộc đời
Những phiền trược đều nối nhau rơi rụng
Bụi thế gian chẳng vấy bẩn bầu trời.

I. THỜI THƠ ẤU TÔN GIẢ MỤC KIỀN LIÊN

Tôn giả Mục Kiền Liên chào đời tại một ngôi làng nhỏ gần kinh đô Patna của vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha), nay thuộc tiểu bang Bihar, Ấn Độ. Ngài có một người bạn rất thân thiết là Ngài Xá Lợi Phất (Sariputta). Từ nhỏ hai Ngài đã gắn bó với nhau như hình với bóng, tuy tính cách có đôi chút khác biệt nhưng giữa đôi bạn tuyệt nhiên không có sự bất đồng ý kiến hay hiềm khích nào. Cả hai đều sinh trưởng trong những gia đình quý tộc giàu có và được tiếp thu trọn vẹn nền giáo dục truyền thống theo đạo Bà la môn. Đến năm khoảng 20 tuổi, Ngài Mục Kiền Liên và Ngài Xá Lợi Phất đã vang danh khắp vùng về tài năng và đức hạnh.

Mặc dù vậy, khi mọi điều tốt đẹp vây quanh thì cả hai lại nhận ra có một niềm khát khao nào đó cứ âm thầm trỗi dậy trong lòng mình, càng ngày càng tách rời họ khỏi những ước vọng bình thường của thế tục, thôi thúc họ phải đi tìm một đời sống tâm linh vĩnh cửu.

Một ngày đầu xuân ấm áp, hai vị cùng nhau tham dự một lễ hội truyền thống của vùng. Lễ hội thật rực rỡ và nhộn nhịp với vô số trò chơi, âm nhạc. Những sắc màu lấp lánh khắp nơi, những vở kịch được công diễn lôi cuốn quần chúng. Hai vị cũng được mời trở thành khán giả danh dự. Những vở kịch được diễn nối tiếp nhau, từ những cuộc chiến tranh khốc liệt đến những câu chuyện thường nhật nhỏ nhen, con người bị áp bức rồi vươn lên, có những kẻ thắng cuộc, có kẻ bại trận, sự vinh quang và đổ máu, sự mưu hại, những anh hùng chiến đấu chống lại kẻ ác… Sân khấu kia trở nên sinh động với muôn vàn mảnh ghép cuộc đời, còn các diễn viên cứ say sưa hết cười rồi khóc với nhân vật của họ.

Chứng kiến những cảnh đó, Ngài Mục Kiền Liên và Ngài Xá Lợi Phất lại chợt như bị cuốn vào trong vô số ưu tư về sự giả tạo, trống rỗng, ngắn ngủi của kiếp người. Vậy là hai Ngài đưa ra quyết định từ bỏ thế tục, xuất gia làm khất sĩ du phương tìm cầu chân lý. Thấy được ý chí và quyết tâm mạnh mẽ của hai vị, rất nhiều thanh niên trong làng cùng cất bước đi theo.

II. TÔN GIẢ MỤC KIỀN LIÊN – HÀNH TRÌNH TÌM CHÂN LÝ

Ban đầu, hai vị tu sĩ trẻ tuổi tìm đến đạo sư Bà la môn nổi tiếng thời bấy giờ là San Xà Dạ (Sanjaya). Vị thầy này có tu tập thiền, có đạt được một số năng lực nhất định nên đệ tử của ông cũng rất đông. Tuy nhiên, ông chủ trương lý thuyết mọi điều đều tương đối, không thứ gì chắc chắn. Mọi sự việc đều đúng lúc này nhưng lại sai lúc khác, vì vậy mà hãy sống đừng quan tâm tới bất kỳ điều gì, không tiếc nuối quá khứ chẳng mơ ước tương lai, không cần tìm cầu giải thoát cũng chẳng bận lòng bởi sinh tử.

Hai vị tu sĩ trẻ tuổi nhu thuận tu theo dù trong lòng còn ngổn ngang vô số khúc mắc. Chỉ một thời gian ngắn, họ đã vượt qua thầy mình. Đó là lúc họ biết sẽ không còn ở đây lâu nữa.
Thế rồi hai vị bắt đầu hành trình du hành trên khắp các nẻo đường khô nóng cháy da cháy thịt của xứ Ấn Độ để tiếp tục tầm sư học đạo. Dẫu cho ước mơ về một ngày được giải thoát, giác ngộ còn mờ mịt, xa xăm nhưng Ngài Mục Kiền Liên và Ngài Xá Lợi Phất vẫn cứ đi đi mãi với đôi chân không biết mỏi mệt. Lần này quay trở về Ma Kiệt Đà, hai vị chia tay nhau với lời nguyện ước: “Ai tìm thấy con đường bất tử trước sẽ lập tức thông báo cho người kia”. Tại thời điểm ấy, Đức Phật đã chuyển Pháp luân và cho phép những sứ giả đầu tiên của Như Lai đi truyền bá chánh Pháp.

Một hôm Ngài Mục Kiền Liên đang ngồi trầm ngâm thì thấy Ngài Xá Lợi Phất tìm đến với một niềm hân hoan chưa từng có, gương mặt của Ngài Xá Lợi Phất đẹp đẽ lạ kỳ. Ngài cảm nhận được bạn mình đã có một sự thay đổi lớn lao trong tâm hồn. Rồi Ngài Xá Lợi Phất kể về vị Sa môn đã gặp trên phố, về phong thái bình an và tự tại của Ngài. Tôn giả ấy là Assaji, một trong những đệ tử của Đức Thế Tôn Gotama đến từ Sakya. Ngài Mục Kiền Liên như thu hết tâm hồn vào từng lời mà người bạn Xá Lợi Phất đang kể. Khi bài kệ sau đây vừa được đọc dứt lời:

Các Pháp do duyên sinh
Rồi cũng do duyên diệt
Thầy ta Đại Sa Môn
Đã tuyên thuyết như thế!

Ngài Mục Kiền Liên hốt nhiên cũng thấy tâm trí bừng sáng. Ngài không còn một chút nghi ngờ rằng đây chính là con đường chân lý, là cánh cửa của bầu trời giác ngộ đã mở toang trước mắt. Đó là khoảnh khắc Ngài Mục Kiền Liên chứng đạt quả Dự Lưu giống như người bạn của mình, trở thành vị Thánh Tu Đà Hoàn.
Niềm hạnh phúc bất ngờ đó thôi thúc hai người bước thật nhanh đến tinh xá Trúc Lâm (Veluvana) để gặp Thế Tôn Gotama, nhưng hai vị biết rằng mình nên đến gặp Đạo sư Sanjaya trước, vì dù sao hai vị cũng từng là đệ tử của ông.

Ngài Mục Kiền Liên và Ngài Xá Lợi Phất thiết tha thuyết phục thầy cùng mình tới gặp Đức Thế Tôn. Hai Ngài mong rằng thầy cũng tìm được ánh sáng chân lý. Nhưng thầy Sanjaya lại ham thích danh vọng và lợi dưỡng. Ông từ chối đi cùng hai vị với lý do lớn tuổi hơn Thế Tôn Gotama, hơn nữa ông đang là vị Đạo sư không thể trở xuống làm đệ tử được. Các Ngài vô cùng thất vọng, cả hai quỳ lạy thầy rồi quay lưng bước đi, theo sau là rất đông các môn đệ.

Đoàn người chỉ trong thoáng chốc đã đến nơi. Tinh xá Trúc Lâm hiện ra trong vẻ đẹp đơn sơ của khu rừng tre xanh mát. Giữa hội chúng đông đảo nhưng rất trang nghiêm, Đức Phật đang thuyết Pháp. Thấy hai người từ xa Người dừng lại và nói: “Đó là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, thật là đôi bạn phước duyên hoàn hảo. Hãy đến đây với Như Lai”. Rồi Phật cho phép hai vị cùng các môn đệ được xuất gia.

Tôn giả Mục Kiền Liên chọn một hang động nhỏ trên rặng núi gần làng Kalavala chuyên tu thiền định. Nhưng khi Ngài dụng công, những cơn hôn trầm liên tục tìm đến làm trở ngại công phu. Đức Phật quan sát thấy liền dùng thần lực hiện ra trước mặt Ngài, đọc lên bài kệ:

Ai diệt được si ám
Của nhiều kiếp trầm luân
Thoát khỏi lưới Ác ma
Ta gọi là chiến thắng.

Ngài chợt bừng tỉnh và hốt nhiên chứng đạo. Kể từ đây, có thêm một vị Thánh giác ngộ giữa thế gian này. Ngài sẽ dùng thần thông quảng đại của mình để mang lại những lợi ích lớn lao cho chúng sinh.

III. TÔN GIẢ MỤC KIỀN LIÊN – THƯỢNG THỦ TĂNG ĐOÀN

Một tuần sau khi xuất gia, Tôn giả Mục Kiền Liên đắc thành đạo quả A La Hán. Đúng một tuần nữa, Tôn giả Xá Lợi Phất cũng chứng đạt sự giác ngộ tuyệt đối. Hai Ngài cùng đến quỳ xuống dưới chân Đức Bổn Sư. Nhân duyên nhiều kiếp đã đến, Đức Phật cho gọi tất cả các Tỳ kheo tập hợp về tinh xá. Khi hội chúng đã có mặt đầy đủ và trang nghiêm, Người mới tuyên bố rằng: “Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đã trở thành những vị Thánh giải thoát viên mãn. Cả hai đã nhiều đời nhiều kiếp phát nguyện để được phụ giúp Như Lai. Nên từ nay, Như Lai giao quyền thống lĩnh Tăng chúng cho hai vị”.

Đó là một sự kiện trọng đại. Ba năm kể từ lần đầu tiên Thế Tôn chuyển bánh xe Pháp tại vườn Lộc Uyển, Tăng đoàn giờ đây đã là một đại chúng đông đảo với hàng ngàn vị Tỳ kheo, cùng rất nhiều các thánh Tăng có uy tín lớn như: Năm anh em Tôn giả Kiều Trần Như (Anna Kondana), Tôn giả Da Xã (Yasa), Trưởng lão Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp (Uruvela Kassapa)…

Việc Thế Tôn chọn ra hai vị Tỳ kheo trẻ tuổi, chỉ vừa mới thọ giới cách đó hai tuần làm Thượng Thủ Tăng đoàn chính là một lời khẳng định về tài năng và đức hạnh hoàn toàn của các vị ấy. Tất cả mọi người đều vui mừng tán thán. Những bậc đã chứng đạo lại càng hoan hỉ hơn vì từ nay đã có người phụ giúp Thế Tôn, để Thế Tôn có thêm thời gian cho việc giáo hóa độ sinh.

Dưới sự lãnh đạo của hai vị, Tăng đoàn ngày càng phát triển lớn mạnh, dân chúng từ khắp mọi miền đổ về nghe Phật thuyết Pháp ngày càng đông. Những đoàn người từ xa muốn ở lại tinh xá, những vị tu hành tầm đạo, những vua quan muốn được gặp để vấn an thưa hỏi Thế Tôn, những gia chủ đang chờ để được thỉnh chư Tăng về nhà cúng dường… tất cả đều được chào đón và chăm sóc không một điều sơ suất.
Nơi sinh hoạt của đại chúng cũng đầy đủ tiện nghi, thuận lợi. Từng ngôi am tre nhỏ làm nơi tu hành yên tĩnh, những khu giảng đường thoáng rộng, dãy bàn ghế đá để các vị Tỳ kheo đàm luận đạo lý, từng lối đi, hàng rào, bờ cây cũng được sắp xếp trong một bức tranh cân đối. Các vật dụng cá nhân luôn luôn sẵn sàng. Khi một vị Tỳ kheo thiếu chăn mền hay tấm y bị rách, vị ấy chỉ cần báo lại là sẽ ngay lập tức được cung cấp. Hoặc khi vị ấy muốn có một khoảng thời gian tinh cần chuyên sâu, sẽ có những vị khác đi khất thực và san sẻ thức ăn.

Những khi có vị Tỳ kheo bị ốm, hai Ngài luôn hỏi thăm và sắp người chăm sóc. Những vị tân Tỳ kheo thì dễ gặp phải nhiều khó khăn trong đời sống khi mới xuất gia, rồi tâm lý của từng vị trong cả đại chúng lớn ấy đều được quan tâm tận tình và tinh tế. Sự bảo ban và chăm nom vừa thiêng liêng lại vừa gần gũi còn hơn cả thân quyến trong nhà. Các Ngài như người anh, người bạn đồng tu hết mực yêu thương trân quý huynh đệ của mình.

Tăng đoàn cứ như thế mà ổn định và phát triển. Các vị Tỳ kheo vì chuyên chú vào sự học tập và tu hành cho rốt ráo mà nhiều khi không để ý đến những công đức tận tụy âm thầm của hai vị Thượng Thủ. Chỉ có Thế Tôn là người thấu hiểu tất cả. Người đã nhiều lần khen ngợi hai Ngài trong các bài Pháp: “Các Đức Phật thời quá khứ đều có hai vị hiền sĩ đệ nhất ở bên, hai vị hiền sĩ đệ nhất của Như Lai chính là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên”. Một bên đầy thông tuệ, uyển chuyển, tinh tế, cả cuộc đời chưa từng làm phiền lòng bất kỳ ai. Người còn lại thì năng lực phi thường, là hiện thân của đức tính nghiêm nghị, đưa chúng Tăng vào nề nếp ổn định.

Tôn giả Mục Kiền Liên như một vị Hộ Pháp cứng rắn. Hình ảnh của Ngài khiến kẻ xấu ác không dám làm quấy, những lời dạy răn nhắc nhở của Ngài giúp các Tỳ kheo luôn ý thức giữ sự tu hành nghiêm túc. Ngài thường cương trực mà bày tỏ những quan điểm của giáo đoàn với những nhóm ngoại đạo khác, cũng như thẳng thắn chỉ lỗi khi các vị còn mắc sơ suất. Ngài bảo vệ chúng Tăng khỏi những âm mưu chia rẽ, xây dựng cho đại chúng một môi trường hòa thuận như nước với sữa. Một lần Tôn giả Xá Lợi Phất bị nói xấu, Ngài lập tức triệu tập chúng Tăng để làm rõ tới cùng.

Lần khác Ngài nghiêm khắc trục xuất nhóm sáu Tỳ kheo bất phục thiện. Thậm chí khi Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) ly khai lôi cuốn theo rất nhiều Tỳ kheo, cũng chính là Tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên tới thuyết phục, tuyên giảng về sự vĩ đại của Đức Thế Tôn là bậc Thánh cao cả nhất trong vũ trụ, mở mắt cho những người đã tin tưởng mù quáng và đưa họ về với chánh Pháp.

IV. TÔN GIẢ MỤC KIỀN LIÊN – THẦN THÔNG ĐỆ NHẤT

Trong đạo Phật, chuyện thần thông không phải xa lạ cũng không phải huyễn hoặc. Một vị khi đắc Thánh quả A La Hán thì cũng đồng thời thành tựu được “Tam Minh, Lục Thông”, tức là sáu phép thần thông diệu dụng. Và trên con đường chứng dần các tầng bậc thiền định thì thần thông cũng dần dần hiện ra như một điều tự nhiên. Thế nhưng trong thời Đức Phật, Ngài cấm các đệ tử sử dụng thần thông bừa bãi vì lý do đó không phải là mục đích của việc tu hành.

Chỉ có duy nhất Tôn giả Mục Kiền Liên, không những được phép sử dụng mà Đức Phật còn tán thán là “Thần Thông Đệ Nhất”. Bởi vì đó chính là nhân duyên và hạnh nguyện của Ngài. Trong nhiều kiếp xưa, Tôn giả đã mạnh mẽ xông vào các tình thế nguy hiểm để cứu người, rồi khi có được những khả năng đặc biệt Ngài lại âm thầm sử dụng vào mục đích giáo hóa độ sinh chứ không chút mảy may khoe khoang hay thể hiện. Vì thế, khi chứng đắc Thánh quả A La Hán thì Tôn giả cũng đồng thời thành tựu được dũng lực và thần thông biến hóa chấn động Thiên hà.

Khi Đức Phật lên cõi trời Đao Lợi trong ba tháng để hóa độ cho Mẫu thân và các Thiên tử ở đó, Tôn giả chính là cầu nối giữa cõi trời và cõi người để truyền đạt những bài Pháp vô giá của Thế Tôn. Ngài có thể hóa hiện nghìn lâu đài lơ lửng giữa không trung hay có thể nối liền cả ba nghìn thế giới lại trong một vầng sáng. Với năng lực phi phàm, Tôn giả chu du tới khắp các thế giới trong vũ trụ, dễ dàng như một người lực sĩ co hay duỗi cánh tay. Ngài biến mất và ngay lập tức xuất hiện tại các tầng trời, cõi A Tu La, ngạ quỷ, địa ngục. Nghiệp duyên của vô số chúng sinh trong pháp giới đều sáng tỏ trước đạo nhãn thanh tịnh.

Oai lực thần thông của Tôn giả vừa rộng khắp, vừa kỳ diệu, nhiếp hóa hết thảy chúng sinh trong chánh Pháp. Kinh Đoạn Tận Ái có ghi, Ngài đã từng dùng một ngón chân cái để làm rung chuyển tòa lâu đài của chư Thiên khi các vị này đắm say hưởng thụ mà quên mất việc tu hành. Lần khác thì có vị Phạm Thiên khởi lên suy nghĩ cao ngạo rằng không có một vị Sa môn hay Bà la môn nào có thể lên đến được cõi giới của ông ta. Quán sát được suy nghĩ sai lầm ấy, Đức Phật cùng các vị đại Tôn giả lần lượt hiện đến, rồi Tôn giả Mục Kiền Liên thuyết Pháp để hóa độ cho ông.

Cảm phục trước Tha Tâm Thông, Thiên Nhãn Thông và Thiên Nhĩ Thông của Ngài Mục Kiền Liên, Tôn giả Xá Lợi Phất đã nhiều lần tán thán người huynh đệ thân thiết: “So với năng lực thần thông của Tôn giả, tôi chỉ như một hòn đá nằm ở chân núi Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) hùng vĩ mà thôi”. Tôn giả Mục Kiền Liên với sự biết ơn chân thành cũng đáp lại rằng: “Trước Tôn giả, tôi cũng chỉ như một nắm muối nhỏ bên một ghè muối lớn”. Thế rồi, hai bậc long tượng ấy cùng hoan hỷ mỉm cười trong tấm lòng kính mến nhau.

V. TÔN GIẢ MỤC KIỀN LIÊN – VỊ THÁNH ĐỆ TỬ ƯU TÚ CỦA ĐỨC PHẬT

Nhiều lần giữa các bài Pháp thoại, Thế Tôn đã ca ngợi trước toàn thể đại chúng: “Hãy thân cận Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, đó là những bậc hiền trí, các vị ấy sẽ sách tấn những vị đồng phạm hạnh”, “Nếu là một vị Tỳ kheo có tín tâm, hãy mong cầu để được như Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, hai vị ấy chính là cán cân đo lường với các vị”.

Là một người đệ tử trung thành, mục đích sống cao cả nhất chính là phụ giúp, hoằng dương, bảo vệ sự nghiệp của Thế Tôn, để những lời dạy của Người có thể lan đến mọi chốn nghìn nơi, lưu truyền mãi cho chúng sinh. Tôn giả Mục Kiền Liên chính là người đệ tử hoàn thành xuất sắc hạnh nguyện ấy,
Ngài thường hay tổ chức những buổi đàm luận đạo lý sâu sắc với các vị Thánh Tăng như: Xá Lợi Phất (Sariputta), Đại Ca Diếp (Maha Kassapa), A Nậu Lâu Đà (Anuruddha)… qua đó mà rất nhiều vị Tỳ kheo và Phật tử tháo gỡ được những nghi ngờ, những điểm còn khúc mắc trong giáo Pháp.

Trong hành trình du hóa khắp các cõi trong ba nghìn thế giới, Tôn giả thường tùy duyên mà thuyết Pháp, những bài Pháp thoại không phân biệt phước nghiệp sai biệt của chúng sinh, dù là kẻ nghèo khó hay bậc đại vương uy quyền, dù là chúng sinh cùng cực khốn khổ nơi địa ngục hay cực lạc sung sướng của Thiên giới, tất cả đều mang lại cho những chúng sinh ấy vô số điều thiện lành trong chánh Pháp, như cơn mưa mát mẻ tưới tắm khắp cả thế gian, làm nảy mầm bao niềm vui hạnh phúc. Vì vậy, mỗi khi Thế Tôn có việc hay khi cần nghỉ ngơi, Người thường nhắc Tôn giả Mục Kiền Liên hay Tôn giả Xá Lợi Phất thuyết Pháp thay Người.
Đức Phật đã bảo thế này: “Tôn giả Xá Lợi Phất như người mẹ ruột sinh đứa con ra cuộc đời, còn Tôn giả Mục Kiền Liên lại giống một người mẹ nuôi dưỡng đứa con ấy trưởng thành. Một vị hướng dẫn đến quả Dự Lưu, vị còn lại đưa đến quả vị tối thượng”. Từ câu nói trên, ta hiểu hơn về nhân duyên của mỗi vị đối với chúng sinh. Ngài Xá Lợi Phất là người gieo rắc vô số hạt giống Thánh hạnh vào cuộc đời, còn người bạn thân thiết Mục Kiền Liên tiếp tục chăm sóc những hạt giống ấy để chúng lớn lên thành khu rừng xanh mát.

VII. THƠ TỤNG VỀ TÔN GIẢ MỤC KIỀN LIÊN

Chúng con quỳ xuống chí thành
Cúi đầu đảnh lễ Thánh nhân siêu phàm
Thần Thông Đệ Nhất Tăng Đoàn
Uy nghiêm đức hạnh ngập tràn hư không
Vân du khắp chốn mênh mông
Thắp lên chánh Pháp trong lòng chúng sinh
Cõi sống hay cõi vô hình
Cõi trời hay cõi vô minh điêu tàn
Ngài mang hạnh nguyện dấn thân
Uy đức dũng mãnh chẳng sờn hiểm nguy
Sớm hôm hay lúc đêm tàn
Chu toàn chăm sóc thường xuyên ân cần
Chúng Tăng nương tựa thêm ân
Của bậc Thượng Thủ âm thầm hy sinh
Ngài chiếu ánh sáng quang minh
Chân lý soi lối, tâm linh mở đường
Bậc A La Hán phi thường
Xin Ngài gia hộ tỏ tường chúng con
Dẫu cho biển cạn non mòn
Một lòng kính Phật chẳng còn lung lay
Dẫu cho sóng gió bủa vây
Quyết cùng tinh tấn đêm ngày không ngơi
Con đường thiền định diệu vời
Thánh đạo giải thoát sáng ngời thênh thang
Cho con hiểu rõ thế gian
Vòng dây tham ái buộc ràng khổ đau
Nhân quả lòng nguyện tin sâu
Yêu thương muôn lối, u sầu biến tan
Đức Ngài mãi mãi ngân vang
Hạnh Ngài dẫn bước muôn ngàn đời sau
Bay lên cùng với trăng sao
Niết Bàn tịch tĩnh đi vào hư vô…
Nam Mô Đệ Nhất Thần Thông Thống Lĩnh Tăng Đoàn Mục Kiền Liên Tôn Giả (3 lần)


Tổng số đánh giá: 0

Xếp hạng: 5 / 5 sao

Cùng chủ đề