Tôn Giả Tu Bồ Đề – Giải Không Đệ Nhất

  • Thời gian

    18 thg 12, 2023

  • Lượt xem

    218 lượt xem


Tôn giả Tu Bồ Đề (Subhuti) sinh ra trong một gia tộc giàu sang quyền quý ở kinh thành Xá Vệ (Savatthi), thuộc vương quốc Kosala. Tương truyền, vào ngày Tôn giả chào đời thì điềm lạ xuất hiện, toàn bộ tài sản và đồ đạc trong nhà bỗng dưng biến mất.

ton-gia-tu-bo-de-giai-khong-de-nhat-393

I. TÔN GIẢ TU BỒ ĐỀ – XUẤT THÂN – CHỨNG ĐẠO

Tôn giả Tu Bồ Đề (Subhuti) sinh ra trong một gia tộc giàu sang quyền quý ở kinh thành Xá Vệ (Savatthi), thuộc vương quốc Kosala. Tương truyền, vào ngày Tôn giả chào đời thì điềm lạ xuất hiện, toàn bộ tài sản và đồ đạc trong nhà bỗng dưng biến mất không dấu vết, vài ngày sau mới dần xuất hiện trở lại. Lúc đó, một nhà đạo sĩ tới xem tướng đã tiên tri rằng: “Công tử sau này sẽ là người thấy rõ nghĩa lý Không đệ nhất trên thế gian, một người thấu đạt bản chất của tất cả mọi sự trên đời này đều là trống rỗng”.
Là con vị cố vấn của vua, Tôn giả được học về mọi lĩnh vực từ văn chương, võ thuật tới những kiến thức về trị quốc an dân và nhanh chóng trở nên thông tuệ. Từ nhỏ, Ngài đã được dân chúng trong kinh thành yêu mến bởi tấm lòng nhân ái rộng lớn. Ngài dùng hết gia tài mình có để giúp đỡ mọi người, thường tặng thức ăn, áo quần cho người nghèo, có lúc lại tận tình chăm sóc kẻ ốm đau. Khi một người khốn cùng hiện ra trước mắt, Ngài thấy mình cũng thấm thía nỗi khổ của người ấy. Hay khi đến thăm một bệnh nhân, nỗi đau mà họ phải chịu đựng cũng như đang giày vò trên chính thân thể của Ngài vậy. Công tử thương yêu và hòa mình vào cuộc sống người dân không chút khác biệt, như bóng cây xanh mến yêu từng chiếc lá trên cành.
Thế rồi nhân duyên kỳ tuyệt cũng đã gõ cửa cuộc đời. Trong buổi lễ cúng dường tinh xá Kỳ Viên của trưởng giả Cấp Cô Độc (Anathapindika), Ngài được ở bên hầu cận Thế Tôn. Hàng nghìn người từ khắp nơi tìm về đảnh lễ Thế Tôn mừng vui như ngày hội, vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) cùng quần thần cũng có mặt. Trong không khí thiêng liêng, ấm áp, Thế Tôn ban tặng Pháp âm nói về bốn nơi mang lại hạnh phúc, an vui đáng để sống. Lời của Thế Tôn vừa trầm ấm, vừa nhẹ nhàng, vừa như đang khuyến tấn cũng vừa như truyền sức mạnh giục giã lòng người.

Tôn giả Tu Bồ Đề lắng nghe trong dạt dào niềm xúc động, Pháp âm của Thế Tôn hé mở cả một khoảng trời thênh thang cho tâm hồn. Khi Thế Tôn vừa dừng lời, giữa đông đảo hội chúng, Ngài quỳ xuống chắp tay thưa:
Bạch Thế Tôn, con đã tỏ ngộ. Con không thể sống trong ngôi nhà thế tục đầy phiền toái và đau khổ được nữa. Chỉ có ngôi nhà trong chánh Pháp của Thế Tôn mới có lòng từ bi, đạo lý nhiệm màu, những vị Thánh nhân cùng cư trú. Và chỉ trong ngôi nhà của Thế Tôn mới cho con cánh cửa bước vào bầu trời giải thoát bao la. Xin Thế Tôn chấp nhận con là đệ tử xuất gia của Người.

Lành thay, hãy đến đây Tu Bồ Đề.

Lập tức, Ngài Tu Bồ Đề trở thành vị Tỳ kheo trong tấm y nâu sòng, tóc đã được phủi sạch. Sau bài Pháp, cũng rất nhiều người chứng được Thánh quả Dự Lưu. Chư Thiên tử cùng tụ hội về lơ lửng trên những tầng mây ngũ sắc, tấu nhạc trời ngợi ca, rải những đóa thiên hoa thơm ngào ngạt xuống tinh xá.
Thọ đại giới xong, Tôn giả liền chọn một đề mục thiền quán và một mình vào rừng để hành thiền. Nơi rừng xanh sâu thẳm, chỉ có Ngài với dũng lực phi thường tìm con đường giải thoát, tuyệt nhiên chẳng có gì làm lay động ý chí của một vị tân Tỳ kheo trẻ tuổi. Ngài hành thiền tinh tấn đêm ngày. Chẳng bao lâu sau Tôn giả Tu Bồ Đề đã chứng được Thánh quả A La Hán, thành tựu hạnh Sa môn cao quý.

II. TÔN GIẢ TU BỒ ĐỀ – GIẢI KHÔNG ĐỆ NHẤT

“Bạch Tôn giả Tu Bồ Đề, chúng con vẫn thường nghe các vị Thánh Tăng ngợi ca Tôn giả là bậc Giải Không đệ nhất. Hôm nay, Tôn giả đã thỏa lòng chúng con mà soi rọi sáng tỏ chỗ sâu xa của nghĩa Không, để chúng con không còn bị lầm đường nữa. Chúng con xin thành tâm tán dương công đức của Người vô cùng ạ”.

– Tác bạch xong, vua trời Đế Thích cùng hàng nghìn Thiên tử, hào quang sáng ngời, chắp tay cung kính hướng về Tôn giả Tu Bồ Đề.

Đó là khung cảnh huy hoàng trên cung trời Tam Thập Tam, tại đây Thế Tôn đã thuyết giảng về Tạng Vi Diệu Pháp suốt ba tháng an cư. Nhân lúc ấy, Tôn giả Tu Bồ Đề xin phép Thế Tôn để được trình bày kiến giải về lý Không của mình. Ngài giải thích lý Không một cách rõ ràng sáng tỏ, giúp nhiều Thiên Tử cởi mở được những điểm khúc mắc, chứng đắc thêm những Thánh quả cao hơn. Vì thế, Thiên chúng hân hoan dâng lời cảm thán để tri ân Ngài.

Trong các cổ thư, Đức Phật khen ngợi Tôn giả là “thường vui với lý Không, phân biệt nghĩa Không”, nhưng hiếm khi tìm thấy một bài Kinh nào Tôn giả đã đề cập về nghĩa Không vi diệu ấy. Phải đợi đến khi giữa một hội chúng trang nghiêm với các vị Trời tràn đầy uy lực, Ngài mới hiển bày đầy đủ nghĩa lý tột cùng của tính Không.

Đó là bởi, nghĩa Không là đạo lý vô cùng cao thượng và uyên áo, tư duy của phàm phu khó có thể nắm bắt nổi. Tuy nói là “Không” nhưng lại chứa đựng bản chất của mọi điều trong vũ trụ. Dù chỉ một từ “Không” nhưng thiên Kinh vạn quyển của thế gian cũng chưa giải thích hết được. Phải có trí tuệ bao la của một vị Bồ Tát mới thấu đạt sâu xa nghĩa lý ấy mà không lầm lạc, phải gây tạo công hạnh ngập tràn sông núi như Bồ Tát mới xứng đáng hành trì đúng nghĩa lý Không. Lý Không chính là đại lộ thênh thang vô tận để Bồ Tát thăng hoa mãi trên con đường Phật đạo tột cùng cao thượng của mình.

Lần đó, Tôn giả Tu Bồ Đề đã giảng giải nghĩa lý Không trên bốn khía cạnh: Vô Thường, Trống Rỗng, Vô Sở Hữu, Vô Sở Đắc cho chư vị Thiên Tử, Bồ Tát.

Bồ Tát khi thị hiện trong muôn nghìn thân phận để giáo hóa độ sinh, sẽ phải đối mặt với các pháp của thế gian như tài sản, địa vị, tài năng, danh vọng, tình cảm, vinh nhục… Các Ngài thấy rõ những điều ấy đều chỉ là mong manh, tạm bợ, không phải là đích đến cuối cùng. Kẻ nào đi tìm hạnh phúc trong đó giống như đang tìm bóng trăng dưới đáy nước. Nhưng vượt hơn thế, Bồ Tát sử dụng phước báu để làm phương tiện đến với chúng sinh. Với các Ngài, có một kho phước lớn cũng là đang gánh một trách nhiệm trĩu nặng trên vai,
Bồ Tát cũng thấy rõ sự vô thường của thân, tâm. Xác thân thì luôn biến đổi theo quy luật sinh, già, bệnh, chết, đã bao lần hết hợp rồi lại tan, như đóa hoa mỏng manh sớm nở tối tàn. Còn tâm như một dòng sông sinh diệt, những ý niệm cứ nối tiếp nhau tuôn chảy bất tận, khiến cho chúng sinh tưởng rằng như có một cái gì đó trường tồn, nhưng kỳ thực tâm cũng vô thường.

Phước đức và trí tuệ của Bồ Tát sẽ dần trở thành tuyệt đối, nhưng các Ngài sẽ đều thấy mình là không tên, không có công lao, không có phước báo, không có sở hữu, không phải là Bồ Tát, không còn cái ta nào cả. Bồ Tát an trú trong lý Không cũng tức là được an trú trong sự khiêm hạ tột cùng.

Lý Không mà Tôn giả Tu Bồ Đề đã giảng giải thật bao la không cùng tận, là điều cao thượng vượt hơn mọi điều cao thượng trên đời. Bởi vậy mà khi Thế Tôn tán thán Tôn giả là “Đệ Nhất Giải Không”, cũng có nghĩa Thế Tôn đang tán thán trí tuệ, công đức tu hành và đức hạnh trong vô lượng kiếp của Ngài. Khi Tôn giả “an vui với lý Không”, cũng tức là Ngài đang từng sát-na âm thầm thực hiện hạnh nguyện Bồ Tát cứu khổ độ sinh quảng đại.

III. TÔN GIẢ TU BỒ ĐỀ – NGHIỆP ĐỨC VI DIỆU

Mùa hạ năm đó, đất nước Ma Kiệt Đà (Magadha) bỗng dưng rơi vào một cơn hạn hán trầm trọng không rõ nguyên nhân. Hơn một tháng trôi qua, trời vẫn nắng gay gắt mà không có lấy một hạt mưa. Sông hồ trợ đáy nên ruộng đồng cũng cạn khô. Dân chúng không cấy trồng được, bắt đầu than vãn. Trong hoàng cung, vua Bình Sa (Bimbisara) như đang ngồi trên đống lửa. Bởi nếu hạn hán cứ tiếp tục sẽ kéo theo vô số hậu quả, đó là nạn đói, cướp bóc, dịch bệnh.. Ngài quyết định đến hỏi ý kiến Tôn giả Mục Kiền Liên (Maha Moggallana):

Kính bạch Tôn giả, con không biết đã phạm lỗi lầm gì khiến đất trời quở trách gây hạn hán như vậy ạ. Xin Tôn giả chỉ bảo giúp con.

Tôn giả Mục Kiền Liên mỉm cười đáp.

Này đại vương, có nhiều chuyện không phải cố ý mà chỉ do ta quên mà thôi.

Vua Bình Sa suy ngẫm một hồi rồi mới sực nhớ, đức vua đã quên khuấy lời hứa sẽ xây dựng tịnh thất cho Tôn giả Tu Bồ Đề khi Ngài trở về khu rừng Khổ Hạnh, nơi mà Thế Tôn đã đắc thành đạo quả, để an cư kiết hạ. Ngay lập tức, quân lính được điều động để thực thi nhiệm vụ.

Lúc ấy, Tôn giả Tu Bồ Đề đang lặng lẽ tọa thiền dưới tán của một bóng cây bên bìa rừng. Hơn một tháng ở đây, Tôn giả đã hồi tưởng lại những tháng năm vĩ đại mà Thế Tôn đã trải qua trong suốt sáu năm. Ngài kể lại cho dân làng Uruvela nghe về điều ấy, từng nhành cây, từng ngọn cỏ, những con thú hoang, dòng sông Ni Liên Thiền (Naranjana)… đều trở thành thiêng liêng, yêu mến. Tôn giả vẫn an lạc và an định dù không có một mái lá chở che.

Căn tịnh thất nhanh chóng được xây xong chỉ trong một ngày, vua Bình Sa ngay lập tức cúng dường lên Tôn giả Tu Bồ Đề. Ngài im lặng nhận lời. Khi Tôn giả bước vào và ngồi lên chiếc giường tre, vừa mới nhập thiền thì trời cũng bắt đầu những trận sấm vang rền, những cơn mưa kéo tới trút nước hồi sinh ruộng đồng, sông suối, tất cả mọi người đều chạy ra ngoài nhảy múa…

Từ trong cung điện, ngắm những trận mưa bay tưới mát khắp vương quốc, vua Bình Sa mới thốt lên rằng: “Uy đức của Tôn giả Tu Bồ Đề thật bao trùm cả trời đất. Chỉ vì ta quên lời hứa xây tịnh thất cho Ngài mà chư Thiên không dám làm mưa vì sợ Ngài ướt!”

Nói về đức nghiệp của Tôn giả, Thế Tôn đã tán thán rằng: “Chí ở nơi không vắng, nghiệp đức vi diệu, là Tỳ kheo Tu Bồ Đề. Hạnh từ bi vô lượng, xứng đáng được cúng dường, cũng là Tỳ kheo Tu Bồ Đề”.

Để nghĩ bàn về công hạnh của một vị Thánh Tăng A La Hán qua con mắt của người bình thường thật khó có thể thấy được, dù chỉ một phần nhỏ. Bởi mỗi một suy nghĩ, mỗi một cử chỉ, mỗi một phút giây hiện diện của các Ngài cũng mang lại vô lượng ân đức cho chúng sinh. Có khi các Ngài sống trong rừng sâu, có khi các Ngài lại thuyết lên những bài Pháp âm nhiệm màu để hoằng hóa độ sinh, sống đơn giản, bình an, hiền hòa. Cứ mỗi sáng, các Ngài lại ôm bình bát thong dong trên những nẻo đường để khất thực, rồi chiều về ôn tụng những câu Kinh, tinh cần nhiếp tâm trong thiền định… Thế nhưng, những ai hiểu được cuộc sống ấy thì đó là những điều đẹp nhất, cao thượng nhất mà các Ngài dành tặng cho cuộc đời. Chỉ một nụ cười hiền hậu của các Ngài cũng như nắng ấm ban tặng sức sống cho muôn loài, chỉ một cái nhìn lặng im như sấm sét cũng đủ để thay đổi tâm hồn của một chúng sinh và định hướng cuộc đời họ trong vô lượng kiếp.
Về Tôn giả Tu Bồ Đề, những trang sách xưa may mắn hé lộ vài thông tin để ta hiểu hơn lời khen tặng của Thế Tôn về công hạnh của Ngài.

Đó là những khi đi khất thực, Tôn giả đứng ở cửa nhà và phát khởi thiền tâm – trải tâm từ hướng đến thí chủ. Chỉ khi thí chủ đến gần thì ngài mới xuất khỏi thiền và thọ lãnh vật thực. Vì thế, tâm của thí chủ nhu nhuyến hơn và sự tôn kính cũng mạnh mẽ hơn trước khi họ cúng dường. Nhìn từ bên ngoài, Ngài cũng khất thực như những Tỳ kheo khác, các thí chủ cũng hoan hỉ cúng dường Tăng chúng, nhưng công đức của họ vượt trội vì đã phát khởi tâm thành và niềm tin cao tột.

Rồi những khi trước đại chúng đông đảo, Tôn giả thuyết Pháp một cách không giới hạn bởi lòng từ cũng theo lời Pháp lan tỏa đến từng chúng sinh. Mỗi câu nói đều như quan tâm, vỗ về, bao dung, khuyến tấn, khai mở cho chúng sinh vô lượng ân đức. Đến cả những chúng sinh vô hình, những loài côn trùng nhỏ bé hay cỏ cây hoa lá cũng đều an vui trong Pháp hội của Ngài.

Trong một bài tự sự, Tôn giả đã bộc bạch rằng, những kết quả thù thắng mà Ngài đạt được hôm nay đều nhờ vào việc đã cúng dường những Đức Phật quá khứ. Suốt cả trăm ngàn kiếp, Ngài thường tu tập hạnh tôn kính Phật như là pháp tối thượng. Trước Đức Phật, lúc nào Tôn giả cũng thấy mình chỉ như một người “cùng tử” bé nhỏ, đứng nép mình trong lòng từ bi của Người.

IV. KẾT LUẬN VỀ TÔN GIẢ TU BỒ ĐỀ

Nghĩa lý về tính Không là một trong những đạo lý uyên áo và cao thượng nhất trong Đạo Phật. Suốt nhiều thế kỷ qua, nó đã khơi gợi nhiều cảm xúc của người Phật tử trên hành trình tìm về chân lý qua những bộ Kinh thư nổi tiếng như: Kinh Kim Cang, bộ Đại Bát Nhã sáu trăm cuốn, Đại Trí Độ Luận… Thế nhưng tính Không cũng đặt ra một thử thách đối với những người muốn đi tìm nghĩa lý cao tột. Nếu hiểu đúng, hành giả sẽ có một bước tiến lớn lao trên bước đường tu hành gian nan qua vô lượng kiếp. Nếu hiểu sai, không khéo người tu sẽ rơi vào những tà kiến, lầm lạc phá tan hết công đức đã tích lũy được.

Để vững chắc trên con đường đi của mình, ta hãy chiêm ngưỡng lại cuộc đời và công hạnh của Tôn giả Tu Bồ Đề, vị Thánh Tăng A La Hán được Đức Phật tuyên dương là “Đệ Nhất Giải Không”. Trong cảnh giới “Không” của Tôn giả, không phải là hư vô, mà lại ngập tràn những điều màu nhiệm. Đó là cả trăm nghìn kiếp thường giữ gìn, bồi đắp lòng tôn kính Phật đến vô biên. Đó cũng là lòng từ bi ẩn chứa trong mỗi bát cơm thọ nhận từ thí chủ hay những khi thuyết Pháp không giới hạn. Đó là tâm khiêm hạ tột cùng lúc nào cũng ngự trị trong tâm hồn, luôn thấy mình chỉ là “cùng tử” trước đấng Từ Phụ bao la. Đó là hạnh nguyện âm thầm của một vị Bồ Tát đã trải qua vô lượng kiếp để gây tạo được “đức nghiệp vi diệu” mà vẫn thấy mình như là Không. Không tên, không làm được gì, không sở hữu điều gì, không có phước báo, không có sự tách biệt với chúng sinh…

Trong Kinh Kim Cang, có lần Tôn giả Tu Bồ Đề đã hỏi Phật rằng: “Làm sao để một người có thể hàng phục nội tâm?”. Đức Phật trả lời rằng: “Hãy khiến cho tất cả chúng sinh đều nhập được Niết Bàn giải thoát”.

Những điều trên có phải thay cho lời nhắn nhủ hết sức thiết thực rằng, muốn đi tìm ý nghĩa cao cả của lý Không, thay vì chỉ đắm chìm tư duy trong những câu từ lý thuyết cao siêu, hãy vun bồi đức hạnh của mình cho thật sâu dày. Hãy hàng ngày thắp những nén nhang thơm, quỳ dưới chân Phật đài để dâng trái tim lên Như Lai. Hãy tập yêu thương muôn vạn loài chúng sinh đến cả cây cỏ như yêu thương chính thân thể mình, để mỗi khi ánh mắt ta chạm vào nơi đâu thì nơi đó đều trở thành điều trận quý. Và hãy luôn cống hiến, phụng sự, hi sinh, dấn thân vào cuộc đời để hoằng dương chánh Pháp, gây tạo vô số công đức mà không hề chấp công lao. Tích lũy từng giọt phước lành vô lượng kiếp không ngơi nghỉ. Rồi một ngày, chân nghĩa lý Không sẽ hiện ra vằng vặc như ánh trăng sáng tỏ đêm rằm.

V. TÔN GIẢ TU BỒ ĐỀ – Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH

Tôn giả Tu Bồ Đề là vị đệ tử được Đức Phật khen ngợi với danh hiệu Giải Không Đệ Nhất. Ngài đã để lại nhiều bài học sâu sắc cho chúng sinh về lý Không vi diệu, âm thầm thực hiện hạnh nguyện Bồ Tát cứu khổ độ sinh quảng đại. Tôn giả với trí tuệ thâm sâu, lòng từ phủ trùm khắp cõi, sự khiêm hạ tột cùng và những Pháp âm nhiệm màu đã đưa chúng sinh có duyên với Ngài đều dâng trọn lòng tôn kính lên Tam Bảo, khai mở lòng từ vô hạn về sau. Đặc biệt, những ai nương theo ân đức của Ngài, luôn sống cống hiến, phụng sự, hi sinh, dấn thân vào cuộc đời để lan tỏa chánh Pháp, tạo vô số công đức lành mà không hề chấp công thì chân lý giác ngộ dần khai mở, thành tựu được chí nguyện sâu xa gieo trồng từ nhiều kiếp xưa.
Khi thờ kính Tôn giả Tu Bồ Đề, quý Phật tử sẽ thành tựu:

– Dần dần có được lòng tôn kính Tam Bảo tuyệt đối Trí tuệ và lòng từ bi mở ra, lan tỏa tới mọi người xung quanh.
– Giữ được sự khiêm hạ, luôn tử tế với mọi người,
– Làm nên nhiều việc phúc lành mà không hề chấp công nên công đức được vẹn tròn.
– Thấu hiểu sự vô thường, được mất, hợp tan của thế gian để một lòng nương theo chánh Pháp tu tập, đạt được sự yên tĩnh, bình an trong nội tâm.
– Gieo nhân lành được chư Phật, chư Bồ tát, chư Thiên gia hộ dẫn bước đi về ánh sáng giác ngộ an vui.

VI . THƠ TỤNG VỀ TÔN GIẢ TU BỒ ĐỀ
Giữa khu rừng vắng mênh mông
Bóng người ẩn sĩ ung dung toạ thiền
Dứt bỏ chấp ngã ưu phiền
Tâm hồn bừng tỏ như nghìn ánh dương
Chư Thiên tấu nhạc cúng dường
Rải hoa thơm ngát con đường Người đi
Bậc A La Hán uy nghi
Trí tuệ trùm phủ, từ bi vô bờ
Tĩnh lặng không gợn mặt hồ
Thấy mình tan biến hư vô không lời
Thế Tôn khen ngợi đến Người
Giải Không Đệ Nhất muôn đời lưu danh
Trải qua bao kiếp tu hành
Lòng tôn kính Phật chân thành thiết tha
Dâng Người tuyệt đối bao la
Còn con nhỏ bé như là cỏ cây
Ngồi lặng yên giữa trời mây
Đi qua cuộc sống từng ngày yêu thương
Yêu từng lối nhỏ con đường
Yêu từng trang sách quê hương thanh bình
Nguyện lòng thương khắp chúng sinh
Cá bơi dưới nước, cánh chim ngang trời
Xin yêu từng chiếc lá rơi
Từng cánh hoa nhỏ cho đời thêm vui
Biết thân giả tạm mà thôi
Vô thường sinh diệt hợp rồi lại tan
Nên lòng chẳng dám tham lam
Ít muốn, biết đủ, phước làm siêng năng
Tin sâu Nhân quả công bằng
Một lòng phụng sự chẳng màng riêng tư Nương theo Phật đấng đại từ
Tinh chuyên thiền định diệt trừ vô minh
Chúng sinh tình với vô tình
Trọn thành Phật đạo tâm linh rạng ngời.
Nam Mô Tu Bồ Đề Tôn Giả (3 lần)


Tổng số đánh giá: 0

Xếp hạng: 5 / 5 sao

Cùng chủ đề