TÔN GIẢ PHÚ LÂU NA MÃN TỪ TỬ (PUNNA MANTANIPUTTA) THUYẾT PHÁP ĐỆ NHẤT
“Bạch Đức Thế Tôn, trong tương lai nếu có vị Tỳ kheo nào dũng mãnh dấn thân, chịu nhiều gian khổ hiểm nguy, thì con nguyện sẽ luôn ở bên bảo hộ, giữ gìn. Để cho Tỳ kheo đó tu đúng Chánh Pháp, giảng đúng Chánh Pháp, thoát được mưu hại của kẻ xấu và sẽ bất thoái chuyển trên Thánh đạo Bồ Đề của Thế Tôn.”
Đó là lời phát đại nguyện của một vị đệ tử ưu tú của Đức Phật, Ngài biểu tượng cho đức hi sinh, lòng khiêm hạ và sứ mệnh dấn thân hoằng dương Chánh Pháp thiêng liêng, đầy dũng lực, không bao giờ chùn bước. Tinh thần của Ngài đã truyền cảm hứng cho hàng ngàn thế hệ Phật tử, lan tỏa đạo lý trên khắp hành tinh. Ngài là Thánh Tăng Phú Lâu Na (Punna Mantaniputta), danh hiệu Đệ Nhất Thuyết Pháp.
I. TÔN GIẢ PHÚ LÂU NA MÃN TỪ TỬ – XUẤT THÂN – CHỨNG ĐẠO
Tôn giả Phú Lâu Na sinh trưởng trong một gia đình Bà La Môn khá giả tại ngôi làng Donavatthu, cách kinh thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) không xa. Ngài là con trai của bà Mantani, chị gái của Trưởng lão Kiều Trần Như (Kondanna). Tên đầy đủ của Tôn giả là Phú Lâu Na Mãn Từ Tử, nghĩa là “người đầy ắp tình thương”.
Vào một chiều mùa hạ, giữa ngôi nhà khang trang bên ngoại ô kinh thành Ca Tỳ La Vệ, thân quyến đang tề tựu quây quần, không khí đượm niềm vui đoàn tụ, ấm áp. Trong khi tất cả mọi người đều phấn khởi, hỏi thăm nhau thì có một chàng thanh niên chỉ ngồi lặng lẽ ngắm nhìn, đó là Ngài Phú Lâu Na.
Chú Kiều Trần Như của Ngài, sau tám năm xuất gia không tin tức, nay đã trở về trong hình ảnh của một vị Trưởng lão vô cùng khả kính. Gương mặt của Trưởng lão trang nghiêm, in hằn những vết thời gian, nhưng ánh mắt chứa chan từ ái sâu thẳm. Ngài lắng nghe Trưởng lão thuyết Pháp say sưa.
Luật Nhân Quả chi phối mọi điều trên thế gian, làm việc thiện sẽ đem đến hạnh phúc, gieo nhân ác phải lãnh quả báo khổ đau, đây là điều công bằng tuyệt đối. Thế nhưng dẫu có đạt được phú quý, danh lợi, tài sắc, vinh quang tột đỉnh rồi chúng sinh cũng phải chịu vô thường biến hoại. Thân thể này từ cát bụi đến rồi cũng theo bụi cát tìm về, tình cảm nhân gian lúc đầy lúc vơi, chẳng nên quyến luyến.
Chỉ có một vị sa môn, khi xuất gia theo Thế Tôn, giữ gìn giới hạnh, rồi tinh tấn nhiếp tâm trong Thiền định, vị ấy mới dần thành tựu những Thánh quả và cuối cùng giải thoát khỏi trầm luân sinh tử.
Những lời của Trưởng lão như chấn động tâm tư, đập tan mọi điều nghi hoặc về chân lý tuyệt đối, khơi gợi vô số ước mơ cao thượng trong lòng người cháu trai ưu tú. Bài Pháp vừa dứt thì Ngài Phú Lâu Na cũng hoát nhiên bừng tỏ, quỳ lên chắp tay tác bạch, trước sự ngỡ ngàng của tất cả thân quyến:
Xin Trưởng lão hãy độ cho con được xuất gia với Thế Tôn.
Lành thay Phú Lâu Na, nhân duyên của con không thể ở lại thế tục được. Hãy theo ta đến gặp Thế Tôn.
Và như vậy, Tôn giả Phú Lâu Na chính thức gia nhập Tăng đoàn. Ngài chăm chỉ học tập giáo lý và tinh tấn tọa thiền đêm ngày. Đặc biệt, Tôn giả rất chú tâm ghi nhớ từng lời dạy của Thế Tôn, cùng lúc đó Ngài cũng mở lòng đến vô số chúng sinh căn cơ khác nhau chưa biết đến Chánh Pháp.
Khi nhân duyên đã tròn đủ, trong một thời tọa thiền, Tôn giả vén bỏ bức màn vô minh, chứng đắc Thánh quả A La Hán, viên mãn lời chư Phật dạy.
II. TÔN GIẢ PHÚ LÂU NA MÃN TỪ TỬ – ĐỆ NHẤT THUYẾT PHÁP
Một người có thể đến với đạo qua nhiều cánh cửa, và bước qua cánh cửa đó sẽ là cả thế giới đạo lý bao la. Chỉ có thâm hiểu, thực hành giáo pháp một cách chuẩn mực, vượt bao chướng ngại không nản lòng, mới có hi vọng một ngày chạm tay bầu trời giải thoát giác ngộ.
Muốn giúp một người hiểu được giáo Pháp, thì dùng lời nói để giảng dạy, khuyên nhủ là chủ yếu. Đức Phật cũng vậy, dù cho thần lực phủ trùm pháp giới, cả đời Ngài lúc nào cũng kiên nhẫn trình bày, giải thích, phân tích, lý luận để thuyết lên những bài Pháp giá trị muôn đời.
Bởi vậy, công đức thuyết giảng là vô cùng to lớn. Vị nào có khả năng thuyết giảng đúng Chánh Pháp, lay động tâm hồn chúng sinh sẽ là người giữ gìn và xiển dương Phật Pháp. Trong các vị Thánh Tăng đệ tử, Đức Phật tán thán Tôn giả Phú Lâu Na là “Đệ Nhất Thuyết Pháp”.
Khi mới chứng đạo, Tôn giả trở về quê hương Ca Tỳ La Vệ, bắt đầu sự nghiệp hoằng pháp thiêng liêng. Chỉ một thời gian ngắn, Ngài đã hóa độ cho hơn năm trăm thiện nam tử phát tâm rời bỏ thế tục, khước từ những mời gọi của hương sắc cuộc đời để xuất gia trong ngôi nhà của Như Lai. Sau này, cũng chính Ngài đã thuyết Pháp giúp Tôn giả A Nan (Ananda) chứng ngộ.
Rời đất nước Sakya, bước chân du hóa của Tôn giả không còn biên giới, in dấu ấn trên khắp các vùng miền, xứ sở. Ngài đi về phía bắc sông Hằng, đến kinh đô Xá Vệ (Savathi) trù phú thuộc vương quốc Kiều Tát La (Kosala), rồi lại ngược lên phía đông bắc, ghé thăm những tiểu quốc, tới cả những bộ tộc thiểu số dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) trùng điệp. Có khi Ngài băng qua cao nguyên Tarai hùng vĩ, vượt dòng sông Hằng nước chảy cuồn cuộn, để bước vào xứ sở Kosambi với những cánh đồng lúa trải rộng bát ngát. Tiếp tục, Tôn giả xuôi dọc theo bờ sông về phía Đông, về lại Thánh tích vườn Lộc Uyển tại Benares, tới Uruvela và Gaya ở gần Rajagaha (Vương Xá)…
Chỉ cần còn một nơi nào đó người dân còn chưa biết đến luật Nhân Quả, đến Đức Thế Tôn và con đường giác ngộ cao quý thì Tôn giả sẽ vẫn không ngừng nghỉ. Trái tim của một người đầy ắp tình thương luôn giục giã đôi chân Ngài bước tới. Trong những giảng đường rộng lớn trang nghiêm, dưới bóng của một tàng cây cổ thụ, giữa khu phố thị ồn ào náo nhiệt, trên một gò đất cao nổi giữa thảo nguyên… Nơi đâu người ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh một vị giảng sư phúc hậu, giản dị với chiếc bình bát trên tay, tuyên Pháp âm làm thức tỉnh biết bao thính chúng.
Hội chúng của Tôn giả lúc nào cũng đông đảo. Chỉ cần biết tin Ngài thuyết giảng là thính chúng sẽ tự nhiên tìm về len kín chỗ. Có khi chỉ vô tình đi ngang qua, nghe thoáng một đôi lời rồi cũng sẽ thổn thức đứng lại. Người ta bảo nhau rằng ai có con tim, khối óc thì hãy đến để mà nghe, mà thấy. Chư Thiên bay về tụ hội sáng rỡ ngập tràn trên những tầng không, ẩn tàng trong những cụm mây ngũ sắc lơ lửng. Nếu Ngài thuyết Pháp trong rừng thì đến cả chim, thú cũng rung cảm kéo đến. Lời Pháp âm cất lên vang vọng trong không gian, đạo lý cao thượng được tuyên dương rực rỡ như hừng đông cùng khắp, cả đất trời nghiêng mình lắng đọng tâm tư. Ngài trình bày một cách có hệ thống, phân tích thấu đáo, cụ thể, giải thích rõ những nút thắt khó hiểu, lấy những ví dụ gần gũi với cuộc sống, kiên nhẫn giảng giải từng điểm, từng chút đến khi nào chân lý được sáng tỏ, hiển hiện, ghi khắc trong tâm người nghe mới thôi.
Khi Tôn giả nói về Nhân Quả Nghiệp Báo, khung cảnh của một vùng khô cằn, đói nghèo như hiện ra trước mắt. Những đứa trẻ gầy còm, gương mặt quắt queo, đưa ngón tay trơ xương bốc từng hạt cơm rơi vãi. Rồi một sa mạc trải dài mênh mông toàn là gió với cát mù mịt, con người phải đi nhiều dặm đường mới lấy được một chút nước. Họ phải chắt chiu, tranh giành nhau từng giọt. Tiếp tục, lại có những vùng tiếng gươm giáo, la hét vang trời, những ngôi nhà lợp mái rạ bốc cháy, đâu cũng là tán loạn, đâu cũng là bị thương. Máu chảy thành những vũng loang lổ trên đất, tràn cả xuống dòng sông. Thế nhưng, cũng có những cõi giới thật yên bình hạnh phúc, con người sống với nhau trong tình hòa ái, lễ độ. Có cả những cõi trời vinh quang, kỳ diệu, chư thiên tử gương mặt hiền từ, lấp lánh hào quang sáng chói. Tất cả đều là do luật Nhân Quả công bằng tuyệt đối chi phối, tất cả đều được tạo nên từ vô số những nghiệp thiện ác của chính mình.
Ngài lại nói về Thiền định, chỉ có Thiền định mới nâng chúng sinh lên những đẳng cấp của Thánh hiền. Ngồi tư thế kiết già, cảm giác toàn thân, biết rõ hơi thở vào hơi thở ra mà không điều khiển, vị hành giả đẹp như một đóa sen đang khẽ tỏa hương. Ngài phá tan những giới hạn hẹp hòi, ích kỷ với Tứ Vô Lượng Tâm, tình thương trải rộng muôn nơi, thấm vào từng chúng sinh trong pháp giới. Tình thương bao dung được cả chim, thú, cỏ cây, cả những kẻ xấu ác và chúng sinh đang bị đọa đày trong địa ngục khổ đau. Cuối cùng, Tôn giả hướng tất cả đến Đức Thế Tôn muôn ngàn thương kính. Ngài bảo đại chúng bốc một nắm đất lên tay và cảm nhận. Trong nắm đất đó thấm đượm mồ hôi, nước mắt, và cả thân thể mà Thế Tôn đã phủ xuống cõi đất để làm vô lượng công đức cho chúng sinh. Rồi tất cả cùng nhìn về phía đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ, cao vượt tầng mây, quanh năm trắng tuyết, thì nội tâm định tĩnh của Thế Tôn còn bình an hơn triệu lần như thế. Đại chúng hãy lắng nghe những đại dương mênh mông, nơi những cơn sóng hát vang dạt dào đêm ngày không ngừng nghỉ, cũng giống như tình thương của Thế Tôn ôm ấp, che chở chúng sinh. Đức Thế Tôn là vô lượng trí tuệ, vô lượng từ bi, vô lượng ân đức. Chúng con xin dâng hết tâm hồn để theo Người đến tận cùng, tuyệt đối.
Tôn giả lúc nào cũng quan sát căn cơ để giảng giải cho phù hợp với trình độ của chúng sinh. Nhưng dù với một hội chúng đông đảo, đủ mọi loại căn cơ, trình độ, hoàn cảnh, tâm tình thì bài Pháp của Ngài vẫn dung chứa tất cả, ban tặng cho tất cả, người nào cũng thấy có mình ở trong đó. Trong cùng một thời thuyết giảng mà cũng như chia sẻ với từng người một, người nghèo tìm được ánh sáng để vươn lên, kẻ thức giả thấy hấp dẫn với những điều mới lạ vượt ngoài hiểu biết, người bình dân lại thấy thật dễ hiểu, sinh động. Hội chúng càng đông thì lại càng thiêng liêng xúc động. Có những lúc họ hân hoan đón nhận tin vui đạo lý, lại đôi khi quặn lòng chua xót nhớ lại điều lầm lỗi khi xưa mình đã gây ra, ai đó òa khóc nức nở vì hạnh phúc, ai đó sẽ thề quyết tâm sửa đổi làm lại cuộc đời… Cứ như thế, Ngài dẫn dắt hàng nghìn người theo từng cung bậc cảm xúc, khám phá từ chỗ sâu kín nhất trong cõi lòng đến những điều cao thượng nhiệm màu, khi thì bình yên như tiếng nước chảy bên suối, lúc rộn ràng như chim chóc trong rừng già hát ca, rồi trầm hùng ngân vang như tiếng đại hồng chung cổ kính.
Và khi đạo lý đã thấm đẫm vào từng hơi thở của thính chúng, cõi lòng của họ đã rộng mở đón nhận, thì cuối cùng Tôn giả lúc nào cũng sẽ hướng dẫn họ những phương pháp vô cùng cụ thể, thực tế, kỹ lưỡng để áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Không bao giờ bài Pháp của Ngài chỉ là những lý thuyết trôi nổi trên mây.
Khi vân du đến khắp mọi vùng miền xứ sở, tiếp xúc, gặp gỡ với đủ loại phương ngữ, phong tục, tập quán khác nhau thì Ngài cũng tùy thuận nhân duyên mà hóa độ chúng sinh. Tôn giả không dùng một phương pháp nào cố định, Ngài dạy mọi người đạo lý bằng ngôn ngữ của họ, trong thế giới tâm tư của họ. Vẫn là Luật Nhân Quả, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, lòng Tôn Kính Phật… mà Ngài tuyên giảng hiển hiện sáng tỏ, cụ thể ngay trong đời thực, qua những bài hát dân ca, bài thơ truyền miệng, những câu chuyện ngụ ngôn giản dị.
Cuộc sống của một đệ tử Phật có gì đẹp hơn thế, mỗi bước chân đều là nhịp cầu kết nối tình thương của Đức Phật đến từng chúng sinh, mỗi lời nói đều đưa chúng sinh đến gần hơn với niềm an vui giác ngộ, nơi đâu cũng trở thành quê hương, một bóng cây, một mái hiên nhà, một hang động bên sườn núi cũng đều là mái nhà thương quý. Dẫu đôi lúc có gặp phải sự chống đối, hiểm nguy, bất trắc không tránh khỏi, nhưng vị giảng sư từ ái ấy vẫn bình thản với chiếc bình bát và đội chân không mỏi mệt, nhẹ nhàng, nhưng đầy dũng lực vững bước trên con đường hoằng dương Chánh Pháp.
Đức Thế Tôn tán thán Tôn giả Phú Lâu Na đã thành tựu xuất sắc mười phẩm chất của bậc giảng sư lỗi lạc, đó là: thâm hiểu giáo Pháp, giải thích dễ hiểu, hoạt bát, ứng đối không trở ngại, tùy căn cơ mà dùng phương tiện thích hợp, trình bày có hệ thống để người nghe có thể hành trì dễ dàng, tác phong nghiêm túc, cần mẫn nhiệt thành, không thoái chí nản lòng, nhẫn nhục nhưng đầy uy lực.
Tất nhiên, những đức tính như thế không phải nhất thời mà thành tựu. Trong một kiếp xa xưa, Ngài đã quỳ dưới chân Đức Phật Thắng Liên Hoa (Padmasambhava) mà phát đại nguyện. Đức Thế Tôn cũng tán thán rằng, không phải chỉ riêng trong thời đại của Như Lai, mà Tôn giả đã làm các công đức thuyết giảng Chánh Pháp, gieo duyên lành với chúng sinh từ vô số kiếp. Ngay trong kiếp cuối cùng này, Ngài cũng thường lắng nghe, học hỏi, ghi nhớ lời Đức Thế Tôn dạy, trân trọng như báu vật và luôn an trú trong đời sống tu hành mẫu mực với giới, định, tuệ. Bởi vậy mà mỗi lời Tôn giả nói ra đều hàm chứa uy lực lay động tâm hồn chúng sinh mạnh mẽ.
III. TÔN GIẢ PHÚ LÂU NA MÃN TỪ TỬ – NGÁT HƯƠNG ĐỨC HẠNH
Giáo hóa được rất đông đồ chúng, trở thành một vị giảng sư danh tiếng vang lừng, thế nhưng tấm lòng thương kính đối với Đức Phật thì chưa bao giờ Tôn giả có một mảy may sơ suất. Trong mỗi bài Pháp, dù có thuyết giảng vô số đạo lý trên thế gian thì cuối cùng Ngài vẫn hướng đến lòng tôn kính Phật tuyệt đối. Tình cảm thiêng liêng ấy thấm đượm trong từng câu, từng chữ, trong giọng nói trầm ấm, trong cách Ngài nhấn mạnh mỗi khi nhắc đến Đức Phật. Tôn giả chính là Người đã xây dựng Thánh Tích Lâm Tỳ Ni trở thành một khuôn viên trang nghiêm để Phật tử đến đảnh lễ và giữ gìn cho muôn đời sau. Và mặc dù vân du giáo hóa đến tận những nơi xa xôi, nhưng khi Thế Tôn thuyết một bài Pháp quan trọng hay Tăng đoàn có duyên sự đặc biệt thì Ngài lại thi triển thần lực quay về quỳ dưới Đấng Như Lai.
Lần đó, có các vị Tỳ kheo tìm đến Tôn giả Phú Lâu Na để hỏi thăm về sự vất vả và dấn thân của Ngài, Tôn giả chỉ nhẹ nhàng đáp:
– Thưa Tôn giả, ở những nơi tôi hành cước vân du, tất cả cỏ cây sông núi đều đón chào, mỉm cười và khích lệ. Ánh sáng trí tuệ của Đức Thế Tôn lúc nào cũng bảo vệ thân thể tôi, tâm của Người luôn luôn sống động trong tâm tôi. Vì vậy mà không bao giờ tôi cảm thấy khổ cực.
– Thưa Tôn giả, cứ mỗi lần trông thấy hàng ngàn, hàng vạn người quay về trước Đức Thế Tôn chắp tay đảnh lễ, là tôi vô cùng vui mừng, xúc động. Tôi cũng hướng về Người, chắp tay đảnh lễ để xin Người thu nhận họ, khơi dậy trong họ niềm tin Chánh Pháp, và gây cho họ sức mạnh vượt tiến trên đường tu học.
– Thật ra thì tôi biết rằng mình chẳng có oai đức gì cả, chỉ có một điều là lúc nào tôi cũng nghĩ nhớ đến Đức Thế Tôn. Trước khi đi hành hóa tôi đều không quên âm thầm cầu xin Người hộ trì, để hoàn thành sự nghiệp hóa độ. Tôi không cần người ta biết đến Phú Lâu Na, mà chỉ hằng mong mỏi ai cũng sẽ biết đến Đức Thế Tôn. Cho nên, tất cả những gì đã làm được, đó đều là của Đức Phật và ân đức vô lượng của Người chứ bản thân tôi không đóng góp được gì nhiều.
Khi một vị Tôn giả chứng đắc Thánh quả A La Hán, ngay giây phút ấy, lòng từ bi dành cho chúng sinh đều đã trải rộng mênh mông.Tuy nhiên, tùy vào hạnh nguyện mà mỗi một vị lại thể hiện lòng từ bi ấy một cách khác nhau. Đối với Tôn giả Phú Lâu Na, thì đó chính là nhiệt tâm hoằng dương Chánh Pháp không biết mệt mỏi, không bao giờ lui bước trước mọi chướng ngại, gian nan.
Trong một khu rừng tịch mịch, vắng bóng người qua, có một số vị Tỳ kheo đang ẩn cư tu hành. Các vị ấy lánh xa chốn ồn ào phố thị và cũng không màng đến thế tục nữa. Hàng ngày, các vị chỉ lo tu tập đủ phần mình rồi sống thanh nhàn, thấy rằng mình đã làm tròn phận sự. Một lần hành hóa ngang qua biết được tin ấy, Tôn giả Phú Lâu Na đến thăm và khuyên nhủ:
– Thưa chư vị Đại Đức, hôm nay Phú Lâu Na được gặp các vị thật là hân hạnh. Nơi đây phong cảnh thanh vắng, rất hợp với hạnh tu hành của người Sa Môn. Hơn thế, dưới chân núi còn có rất nhiều làng mạc trù phú, dân cư đông đúc, chắc hẳn là đều đã được chư vị ban tặng cho những lời đạo lý cao đẹp để sống tốt hơn nhiều
Biết được Tôn giả đang muốn đề cập đến chuyện giáo hóa, các vị Tỳ kheo mới bày tỏ nỗi lòng của mình.
– Thưa Tôn giả, chẳng giấu gì Ngài, chúng tôi trước đây cũng nỗ lực đi các nơi để hoằng truyền giáo pháp nhưng chúng sinh thật khó hóa độ. Đạo lý Thế Tôn dạy vô cùng nhiệm mầu, sâu rộng còn chúng sinh thì chỉ tin những điều mắt thấy tai nghe. Khi giảng về nhân quả, luân hồi thì họ bắt bẻ đòi chứng minh, nói đến Thiền định thì họ bảo: tại sao phải ngồi lắng yên một chỗ? Những nơi họ đã có tín ngưỡng riêng thì càng khó khăn hơn, chúng tôi có khi bị mắng chửi, thậm chí bị hãm hại. Cuộc đời này đầy nhiễm ô bất trắc, lòng người mê mờ, nặng nề dục vọng, chẳng biết đúng sai, thật đáng buồn. Thôi thì cứ để chúng sinh trôi theo dòng nghiệp, khi nào nhân duyên chín muồi thì họ sẽ tự biết quay đầu.
Tôn giả Phú Lâu Na lặng lẽ trầm ngâm một hồi, rồi Ngài đưa mắt nhìn các vị với ánh mắt đầy thông cảm, nhưng rất dứt khoát:
– Thưa chư vị Đại Đức, Phú Lâu Na đi khắp các miền giáo hóa cũng cảm nhận được giống như chư vị. Nhưng chư vị có chắc rằng, nếu cứ để mặc chúng sinh như vậy thì họ sẽ tự biết quay đầu? Và nếu không phải người đệ tử Như Lai thì ai sẽ dang cánh tay để họ nắm lấy? Thưa chư vị, Phú Lâu Na tự thấy mình năng lực không nhiều, nhưng dù khó khăn, khổ cực thế nào cũng không quản ngại vì vẫn thường giữ vài tâm niệm nhỏ.
– Thưa chư vị Đại Đức, hôm vừa rồi tôi có về thăm và đảnh lễ Thế Tôn, dung nghi Người vẫn ngời sáng nhưng thân thể đã hao gầy đôi chút. Hàng ngày, Thế Tôn đặn dậy rất sớm để Thiền định, khi đó Người quan sát nhân duyên chúng sinh khắp pháp giới vũ trụ rồi sẽ lên đường hóa độ. Có những khi Người đến những vùng thâm sơn hẻo lánh, có những lần lên cả cõi giới Phạm Thiên, không một sát na ngần ngại. Đêm đến, những vầng hào quang trên trời chói sáng liên tục bay xuống hương phòng của Thế Tôn, đó là các vị chư Thiên tới thưa hỏi giáo Pháp. Và như thế, Người chẳng có phút giây nào ngơi nghỉ.
– Thưa chư vị, tôi nghe nói rằng, một lần Người tới một xứ mà tất cả dân chúng đều xua đuổi nhiếc mắng, Thế Tôn vẫn bình thản thứ tha và kiên nhẫn hóa độ. Bao nhiêu kiếp, Thế Tôn xả thân trong Bồ Tát hạnh, cũng chỉ với lòng từ bi mong muốn tìm con đường đưa chúng sinh thoát khổ đau. Cả cuộc đời Người, cả vô lượng kiếp của Người chỉ sống để đem đạo lý hạnh phúc đến cho muôn sinh. Bởi vậy tôi tâm niệm, lý tưởng hoằng dương Chánh Pháp chính là bổn phận, là trách nhiệm không thể chối bỏ của người con Phật để đền đáp ân đức sâu nặng của Người.
– Thưa chư vị, chúng sinh trên cuộc đời đúng là cang cường, mê mờ, khó bảo, đau khổ mà không biết mình đang khổ đau. Phú Lâu Na thấy mình thật hạnh phúc khi được sống trong pháp lạc mà Chư Phật đã chỉ dạy, nhưng tôi cũng thấy, nếu chỉ một mình an hưởng niềm hạnh phúc ấy thì thật hẹp hòi, bé nhỏ. Công việc hoằng dương Chánh Pháp, thắp sáng chân lý cho thế gian này nếu dễ dàng thì đâu cần sự góp sức của người con Phật, cuộc đời này đâu cần sự hiện diện của chúng ta. Bởi thế tôi tâm niệm, dù có gian nan vất vả đến đâu cũng không sờn lòng, sẽ mang từng giọt máu, từng hơi thở của mình để đem đạo lý đến cho chúng sinh.
– Thưa chư vị, khi Phú Lâu Na lang thang trên những nẻo đường nắng gió, thường hay ngủ dưới những gốc cây, trong những hang động hiu quạnh, bình bát đôi khi chỉ có vài mảng cơm nguội, vài miếng rau rừng, nhưng tôi thấy vô cùng hạnh phúc. Mỗi khi tôi nhìn vào ánh mắt của một em bé đang chắp tay hướng về Đức Phật, một bà cụ già hàm răng đã móm mém nhưng miệng vẫn lẩm nhẩm lời kinh thiêng, một người chồng bê tha bỏ bê vợ con biết nhỏ những giọt nước mắt ăn năn, một tay côn đồ hung bạo buông gươm làm lại cuộc đời… là cả thế gian như bừng sáng. Bởi vậy tôi tâm niệm, đó chính là cuộc sống, là sinh mệnh của mình.
Hôm đó, Tôn giả Phú Lâu Na đã chuyện trò thật lâu, bày tỏ rất nhiều những điều tâm niệm trong lòng mình. Khi Ngài vừa dừng lời, tất cả các vị Tỳ kheo đều khóc. Như suối nguồn đổ về trên lòng sông khô cạn, lòng nhiệt huyết lại được khơi mạch tuôn trào. Ngay sau đó, các vị Tỳ kheo đã cùng theo Tôn giả về vương quốc Bạt Sa (Vatsa) để giáo hóa.
IV. KẾT LUẬN VỀ TÔN GIẢ PHÚ LÂU NA MÃN TỪ TỬ
Tôn giả Phú Lâu Na là người đệ tử ưu tú của Đức Như Lai. Với công hạnh Đệ Nhất Thuyết Pháp, Ngài tiêu biểu cho tinh thần nhiệt thành, dấn thân hoằng dương chân lý. Tôn giả là nguồn cảm hứng để người con Phật lan tỏa đạo mầu đến khắp mọi nơi, len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc đời để mang tin vui đạo lý cho chúng sinh.
Cuộc đời của Ngài cũng để lại cho hậu thế những bài học vô cùng quý báu, đó là đừng bao giờ cố chấp vào nguyên tắc, hãy đem Chánh Pháp đến trong tâm tình, trong sở thích của chúng sinh, hãy để những bài Kinh thiêng liêng được hát ngân nga giữa cuộc sống giản dị, đời thường của họ, để cho lời Phật dạy sẽ thấm vào trong từng suy nghĩ sâu kín nhất và hiện diện nơi những hành động thiết thực nhất.
Chúng con nguyện dâng lên Ngài lòng tôn kính vô biên, sự biết ơn khôn cùng, nguyện trọn lòng đi theo dấu chân của Ngài, mang cả sinh mệnh dấn thân không bao giờ chùn bước, không bao giờ ngơi nghỉ. Để một ngày nào đó, Chánh Pháp sẽ thắp sáng cả hành tinh tươi đẹp này.
V. TÔN GIẢ PHÚ LÂU NA MÃN TỪ TỬ – Ý NGHĨA ĐỘ MỆNH
Tôn giả Phú Lâu Na Mãn Từ Tử là người đệ tử lỗi lạc của Đức Phật. Ngài là vị A La Hán thiện xảo tối thắng về thuyết pháp. Giáo pháp của Thế Tôn được Ngài tuyên giảng vô cùng hấp dẫn khiến cho bất kỳ ai nghe được cũng khởi lên lòng tôn kính. Những bài pháp của Ngài luôn tràn đầy cảm xúc. Dù nghe lại nhiều lần vẫn đem lại những ý nghĩa mới mẻ và sâu sắc trong từng lời từng chữ. Ngài tiêu biểu cho tinh thần hoằng dương Chánh Pháp của các đệ tử Phật để mang đến ánh sáng chân lý cho chúng sinh. Quý Phật tử tôn kính và thờ cúng Ngài sẽ dần thành tựu:
– Hiểu giáo lý Đức Phật dạy một cách sâu sắc. Có khả năng diễn đạt lại những giáo lý một cách dễ hiểu, phù hợp cho mọi người. Tạo được nhiều công đức lành khi giúp cho người khác khởi tâm yêu mến và tôn kính giáo pháp của Đức Phật.
– Thông minh, sâu sắc và tế nhị trong vấn đề giao tiếp, làm cho người nghe luôn được hài lòng, an vui, có được nhiều người yêu mến, kính trọng.
Có duyên lành, được nhiều may mắn trên con đường hoằng dương Chánh Pháp.
VI. THƠ TỤNG VỀ TÔN GIẢ PHÚ LÂU NA MÃN TỪ TỬ
Con xin quỳ xuống lại Người
Bao niềm xúc động từng lời Pháp thiêng
Mở ra cánh cửa diệu huyền
Bước vào thế giới vô biện không cùng
Dầu bao gian khó nghìn trùng
Quyết không lùi bước trên đường hoằng dương
Dấn thân dũng mảnh kiên cường
Khiêm cung nhẫn nại tình thương không lời
Bước chân Ngài khắp phương trời
Vân du giáo hoá bao người đổi thay
Xoá tan bóng tối đêm dài
Bừng lên ánh sáng ban mai huy hoàng
Chánh Pháp thắp mọi nẻo đàng
Ước mơ khắp chốn bình an tu hành
Một ngày Đạo quả viên thành
Đến bờ giác ngộ tâm linh rạng ngời
Đệ Nhất Thuyết Pháp muôn nơi
Danh Ngài còn mãi muôn đời hướng theo
Duyên lành vạn kiếp gắng gieo
Trọn lòng kính Phật chẳng hề lung lay
Xin cho thế giới mai này
Chung tay xây đắp tương lai rạng ngời
Tặng nhau đạo lý diệu vời
Giúp nhau vượt thoát cuộc đời bể dâu
Công bằng nhân quả tin sâu
Lắng tâm thiền định u sầu biến tan
Con đường hoằng Pháp gian nan
Lòng con xin nguyện vững vàng bước đi
Mồi từng ngọn lửa tâm linh
Thắp vào từng trái tim tình yêu thương
Mãi mãi chỉ một con đường
Tìm cầu giác ngộ phi thường mênh mông
Hành tinh vang tiếng đại đồng
Hương thơm Chánh Pháp mãi còn lan xa…
Nam Mô Phú Lâu Na Mãn Từ Tử Tôn giả (3 lần)
Nguồn: Thánh Độ Mệnh “TÔN GIẢ PHÚ LÂU NA MÃN TỪ TỬ (PUNNA MANTANIPUTTA)” – TT THÍCH CHÂN QUANG chủ biên.