Tôn Giả A Nan – Đệ Nhất Đa Văn Truyền Trì Kinh Tạng

  • Thời gian

    18 thg 12, 2023

  • Lượt xem

    639 lượt xem


Ngài A Nan được lớn lên bên cạnh Hoàng Huynh Tất Đạt Đa (Siddhartha Gautama). Đối với Hoàng Huynh, Ngài một lòng nhu thuận, vừa thương mà vừa kính. Mỗi lời dạy bảo, mỗi cử chỉ, hành động của Hoàng Huynh đều ghi dấu vào tâm hồn Ngài những ấn tượng sâu sắc.

ton-gia-a-nan-de-nhat-da-van-truyen-tri-kinh-tang-396

I. TÔN GIẢ A NAN – XUẤT THÂN – NHÂN DUYÊN CHỨNG ĐẠO

Hoàng tử A Nan (Ananda) là con của Hoàng vương Bạch Phạn (Amito dana). Ngài có hai người anh là Anuruddha, Mahanama. Sinh ra trong dòng dõi Sát Đế Lợi cao quý, Hoàng tử lớn lên sớm trở thành chàng thanh niên võ nghệ cao cường, văn thơ uyên bác. Tướng mạo Ngài trang nghiêm, đẹp như một vị Thiên tử. Và đặc biệt từ nhỏ đến trọn cuộc đời, Ngài không bị bất kỳ một bệnh tật gì cùng với đó là một khả năng ghi nhớ siêu phàm. Khi Ngài lên sáu tuổi, dù còn chưa biết chữ nhưng ai nói điều gì cũng thuộc, đến nửa năm sau hỏi lại vẫn nhớ không sót một từ.

Ngài A Nan được lớn lên bên cạnh Hoàng Huynh Tất Đạt Đa (Siddhartha Gautama). Đối với Hoàng Huynh, Ngài một lòng nhu thuận, vừa thương mà vừa kính. Mỗi lời dạy bảo, mỗi cử chỉ, hành động của Hoàng Huynh đều ghi dấu vào tâm hồn Ngài những ấn tượng sâu sắc. Khi biết tin Hoàng Huynh đã trở thành Đức Phật, vị Thầy cao cả của trời người, lòng thương kính ấy càng nhân lên gấp bội.

Năm đó, Đức Phật trở về thăm kinh thành Ca Tỳ La Vệ. Từ xa trông thấy Đức Phật bước trầm hùng như một con voi chúa đi trên mây, Hoàng tử A Nan cực kỳ xúc động, chăm chú ngưỡng trông theo từng bước chân của Người. Sự thôi thúc nội tâm mãnh liệt tìm về chân lý bấy lâu nay bỗng vỡ òa trong tâm hồn Ngài. Năm đó Hoàng tử A Nan tròn hai mươi ba tuổi, Ngài cùng các Vương tử Thích Ca khác quyết định bỏ lại sau lưng cuộc sống vương giả, tìm đến Đức Phật để xin xuất gia.

Ngay từ những mùa nhập hạ đầu tiên, Tôn giả tinh tấn tọa thiền đêm ngày. Khi công đức nhiều kiếp đã trọn đủ, một lần đi bên cạnh lắng nghe Tôn giả Phú Lâu Na (Punna Mantaniputta) chỉ dạy đạo lý, đóa hoa tâm chợt bừng nở rực rỡ, Ngài thấy cả bầu trời chân lý hiển hiện thật rõ ràng. Tôn giả A Nan ngay lúc ấy chứng đắc quả vị Tu Đà Hoàn, chính thức bước chân vào ngôi nhà của các vị Thánh. Kể từ đó, Tôn giả luôn tri túc và hoan hỉ trong từng giây phút của đời sống Sa môn. Ngài thấu hiểu phước lành của hạnh xuất gia và Thánh quả Nhập Lưu, cũng như niềm ái hòa cao quý trong Tăng đoàn. Trong suốt 18 năm đầu xuất gia, Tôn giả thường dành trọn thời giờ tọa thiền và thanh lọc tâm ý mình.

II. TÔN GIẢ A NAN – NGƯỜI THỊ GIẢ TRUNG THÀNH

Đó là mùa an cư kiết hạ tại tinh xá Kỳ Viên (Jetavana), gần kinh thành Vương Xá (Rajagaha), khi ấy Đức Phật đã năm mươi lăm tuổi. Vào một buổi sớm mai, dưới những tàng cây cổ thụ của tinh xá, Đức Phật cho triệu tập chư Tăng. Hôm đó bầu trời rất cao và trong xanh, những cơn gió của mùa hè lao xao trên tán lá làm cho không khí trở nên vừa mát mẻ, vừa thiêng liêng như dự báo trước sắp diễn ra một sự kiện quan trọng. Đợi khi Tăng chúng đã ổn định, Đức Phật dạy rằng Người đã có tuổi, thân thể ngày càng suy yếu nên hãy sắp xếp cho Người một vị Thị giả ưng ý để hầu cận và đặc biệt là ghi nhớ những lời dạy của Thế Tôn, dù rằng trước đây cũng đã có vài Tỳ kheo làm Thị giả cho Người.

Thế Tôn vừa ngừng lời, nhiều vị Tỳ kheo xin được trở thành Thị giả, nhưng Người im lặng khước từ. Lúc ấy, Tôn giả A Nan, đang khiêm tốn nép mình phía sau và giữ im lặng. Vì lòng kính ngưỡng và trọn tin nơi Thế Tôn, Tôn giả tin rằng Thế Tôn biết rõ ai là người đủ nhân duyên thích hợp. Dù không bày tỏ ước vọng của mình, nhưng trong tâm Ngài luôn tha thiết mong muốn ngày đêm được hầu cận chăm sóc Thế Tôn.

Khi đó Tôn giả Mục Kiền Liên (Maha Moggallana) với tâm của một vị A La Hán biết rằng, Đức Bổn Sư cũng đang đặt tâm vào Tôn giả A Nan. Vì thế, Ngài đề cử Tôn giả A Nan trở thành vị Thị giả hầu cận Thế Tôn.
Đức Thế Tôn mỉm cười đồng ý. Người khen ngợi Tôn giả A Nan là một Tỳ kheo trí tuệ và tinh tế. Dù chưa chứng đạt Tha Tâm Thông nhưng Tôn giả rất hiểu ý của Thế Tôn, sẽ chăm lo tận tình chu đáo, khéo biết thời điểm để thưa hỏi và sắp xếp công việc cho Người.

Tôn giả A Nan quỳ xuống đảnh lễ Thế Tôn trong niềm xúc động tha thiết. Công việc hàng ngày của Tôn giả là mang nước rửa mặt, dụng cụ đánh răng, chuẩn bị tọa cụ, quét hương thất, quạt mát, vá y và rửa chân cho Đức Phật khi Người đi khất thực về. Tôn giả thực hiện những việc ấy trong niềm an lạc và tận tụy không một mảy may sơ suất.

Tùy từng thời điểm, những vị khách từ các Thầy Tỳ kheo, cư sĩ, vua quan, người dân, ngoại đạo,… muốn gặp Thế Tôn để đảnh lễ hoặc tham vấn đều sẽ được Tôn giả sắp xếp hợp lý.
Mỗi khi Đức Phật cần gặp chư Tăng để giảng dạy, dù là giữa đêm khuya, Tôn giả sẽ cần mẫn đến tận nơi để thông báo tới từng vị và sau buổi giảng cũng chính Ngài là người kiểm tra xem các Thầy có để quên vật dụng không mà trả lại.

Mỗi tối trong hương thất, Đức Bổn Sư thưởng tĩnh lặng tọa thiền, nhiều lúc Ngài thuyết Pháp cho chư Thiên thì bên ngoài Tôn giả A Nan sẽ chong đèn đi quanh để tránh mọi sự quấy rầy, rồi Tôn giả ngủ cạnh hương thất luôn để khi Đức Bổn Sư cần điều gì sẽ không phải chờ lâu.

Lúc Đức Thế Tôn mệt mỏi hay đau ốm, Tôn giả sẽ là người lo lắng xức dầu, xoa bóp, tìm thuốc chữa bệnh cho Người. Nhất là vào khoảng thời gian Thế Tôn đã lớn tuổi. Người cũng hay có những cơn đau lưng nên thường ngồi sưởi nắng vào buổi sáng, khi đó Tôn giả A Nan sẽ đến bên bóp tay, bóp chân cho Thế Tôn. Có lần Tôn giả tận tay nấu cháo cho Người. Lần khác vào đêm khuya, khi Thế Tôn đang an trú trong đại định, Tôn giả kiên nhẫn chờ đợi từng canh giờ cho đến khi trời sáng để được thưa hỏi chuyện.

Từng nụ cười, ánh mắt, cử chỉ nhỏ của Thế Tôn, Tôn giả luôn hiểu Thầy mình cần gì và hơn hết Ngài hiểu ý của Thế Tôn qua cả sự im lặng.

Có nhiều duyên sự, Đức Phật chỉ để Tôn giả A Nan đi theo. Có khi là đi giáo hóa chúng sinh hữu duyên ở làng xa, khi thì đến nơi chốn của chư Tăng sinh hoạt hay thăm hỏi một vị Tôn giả độc cư trong rừng sâu núi thẳm. Có lần, Đức Thế Tôn đích thân đến chăm sóc một vị Sa môn bị bệnh kiết lỵ trầm trọng, đang nằm chơ vơ trên đất bẩn một mình. Thế Tôn giặt khăn thì Tôn giả A Nan bưng nước. Thế Tôn tắm rửa cho vị Sa môn thì Ngài cũng ở bên nâng đỡ thân thể và lau khô cho vị ấy. Cứ như thế, bước chân của hai Thầy trò đã lặng thầm in dấu trên khắp các nẻo đường của lục địa Ấn Độ. Tôn giả ở bên cạnh Thế Tôn như hình với bóng, dù là giữa trời nắng cháy hay những đêm lạnh buốt xuyên thấu thịt da, dù là phố thị tấp nập hay núi rừng có tịch, vẫn luôn tận tụy và trung tín.

Tôn giả A Nan chính là chiếc cầu nối giữa Thế Tôn và Tăng chúng. Mỗi sự việc lớn nhỏ trong Tăng đoàn, Ngài luôn giải thích nguyên do tường tận để Thế Tôn ban giáo Pháp và đưa ra giới luật cần thiết. Cũng qua cây cầu nối đầy tình thương ấy, bóng bồ đề ân đức của Thế Tôn đã lan tỏa che mát cho Tứ chúng.
Chuyện kể rằng, có nhiều khi các thiện tín đến tinh xá để cúng dường thì Thế Tôn lại đang bận đi nơi khác giáo hóa. Vì thế, các thiện tín ấy đặt bông tươi và các trang hoa thơm trước hương thất nhưng trong lòng vẫn hụt hẫng vì không được đảnh lễ và chiêm bái Đức Bổn Sư. Vì tâm từ bí, Tôn giả động lòng trước các thiện nam tín nữ đã vượt đường xa đến tinh xá mà không được thỏa ước nguyện, Ngài liền khéo thưa hỏi và được Thế Tôn cho biết rằng, cây bồ đề đã che mưa nắng cho Thế Tôn trong bốn mươi chín ngày nhập định trước khi thành đạo xứng đáng là Thánh tích được chúng sinh chiêm bái và cúng dường. Do đó, Tôn giả Mục Kiến Liên đã chiết một nhánh bồ đề thiêng liêng ấy mang vé trồng trước tỉnh xá. Mỗi khi đảnh lễ, các thiện tín lại nhớ lời của Thế Tôn: “Cây Bồ Đề ấy sẽ giống như hình ảnh của Như Lai đang hiện diện ở nơi đây”.

Lòng thương kính mà Tôn giả A Nan dâng lên Đức Bổn Sư thật đặc biệt mà không một ai khác có thể sánh bằng. Lòng thương kính ấy vừa xuất phát từ trí tuệ của một bậc Thánh Tu Đà Hoàn đã dành trọn niềm tin tuyệt đối nơi Đấng Giác Ngộ, vừa là nghĩa tình Thầy trò gắn bó đậm đà keo sơn trong vô lượng kiếp. Nhiều lần, Thế Tôn đã kể về những mối nhân duyên ấy. Có những kiếp Tôn giả A Nan từng là anh em, con cháu, người hầu cận, đồng môn, bạn hữu, huynh đệ đồng tu với Thế Tôn. Và lúc nào Tôn giả cũng luôn sắt son, trung tín đứng phía sau phụ giúp Thế Tôn gieo trồng hạnh nguyện Bồ Tát. Vì lòng thương kính ấy, cũng không ít lần Tôn giả sẵn sàng hi sinh thân mạng mình để bảo vệ Thế Tôn.
Kinh xưa còn ghi, lần đó Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) cho voi Nalagiri hung dữ uống rượu say rồi thả vào đoạn đường mà Đức Phật đang khất thực. Con voi ấy là một chiến binh khát máu của vua A Xà Thế (Ajatashatru), đã từng phá tan nhiều trận địa, làng mạc và giết vô số người.

Từ xa con voi hung hãn với cặp mắt đỏ ngầu, điên cuồng lao đến Đức Phật trong một đám khói bụi mù mịt khiến cho tất cả những ai chứng kiến đều khiếp sợ, chạy bổ về tứ phía. Chỉ có riêng Tôn giả A Nan can đảm xông lên, đứng chắn ngang che cho Đức Ân Sư mà không một sát na do dự:

Voi Nalagiri kia, hãy giết chết ta trước! Ta quyết hi sinh để bảo vệ Thế Tôn.
Này A Nan, con hãy tránh đi, không được đứng trước Như Lai.

Nhưng ý chí của Tôn giả sắt đá đến nỗi, Thế Tôn nhắc nhở Ngài lui bước ba lần không được, đã phải dùng thần thông để nhấc bổng Ngài lên rồi nhẹ nhàng đặt sang nơi khác.
Lần ấy, voi dữ Nalagiri được tâm từ bi của Thế Tôn cảm hóa, nó phủ phục dưới chân Thế Tôn để tỏ lòng tôn kính. Lúc này, Tôn giả mới vội quỳ ôm chân Thế Tôn để bày tỏ nỗi niềm và Thế Tôn cũng khẽ đặt tay lên đầu Ngài như thay lời chỉ bảo rằng: “Thế Tôn luôn thấu hiểu lòng Thầy”.

Hai hình ảnh đó đã khiến rất nhiều người chứng kiến xúc động tột độ mà bừng ngộ được Thánh quả. Một bên là lòng từ bi cảm hóa ác tâm hung bạo, một bên là lòng trung tín tuyệt đối dâng lên Đức Ân Sư, cả hai đều vô cùng thiêng liêng và cao quý!

Tôn giả A Nan dành trọn lòng thương kính lên Thế Tôn thì Thế Tôn cũng thương yêu Ngài theo một cách đặc biệt, khi ân cần, khi nhắc nhở, đôi khi có cả những lời khiển trách cần thiết để thúc giục Ngài trong việc tu tập hướng đến quả vị cao nhất.

Thế Tôn từng bảo rằng: “Vì vậy, này A Nan, để được thọ hưởng phước lành và an vui, hãy thương mến Như Lai và không bao giờ oán hận Như Lai. Đó là vì Như Lai sẽ không đối xử với con như người thợ gốm gượng nhẹ với những chiếc bình gốm nung chưa tới. Ngược lại Như Lai sẽ nhắc đi nhắc lại với con những lời răn dạy, những lời khiển trách và sẽ thử thách con hết lần này qua lần nọ. Ai kiên định tiến tu sẽ vượt qua được thử thách này”.

Có một điều đặc biệt nữa của vị Thị giả cần mẫn ấy là suốt hai mươi lăm năm hầu cận Thế Tôn, dù Tôn giả chưa chứng đến Thánh quả A La Hán nhưng không phút giây nào có một niệm dục hay một niệm sân khởi lên trong tâm. Ngài vẫn luôn xem mình chỉ như là một hạt bụi nhỏ bé trên vạt áo của Người. Nếu phải nhận những lời khiển trách hay nhắc nhở, Tôn giả sẽ trân quý như báu vật để giúp mình hoàn thiện hơn. Ngài đã đọc lên bài kệ về chính mình:

Suốt hai mươi lăm năm
Tu tập trong dòng Thánh
Dục tưởng không khởi lên
Sân tưởng không khởi lên
Vi diệu thay giáo Pháp!

Thế Tôn tán thán Tôn giả trước toàn thể Tăng chúng rằng:“ Trong các đệ tử Tỳ kheo từng là Thị giả của Như Lai, đệ nhất là A Nan!”

III. TÔN GIẢ A NAN XIN ĐỨC PHẬT THÀNH LẬP NI ĐOÀN

Vào một buổi sớm mai tại ngoại ô kinh thành Vesali thuộc vương quốc Licchavi, trong một ngôi nhà hoang nhưng cảnh vật khả ái, Thế Tôn ngồi trên một tấm tọa cụ đơn sơ, bên cạnh Người là Tôn giả A Nan đang quỳ gối, thành kính chắp tay thưa hỏi:

Bạch Thế Tôn! Người nữ có khả năng chứng A La Hán không ạ?

Trước đó, Tôn giả đã ba lần chuyển lời thỉnh cầu của đoàn nữ giới đến Thế Tôn nhưng cả ba lần Thế Tôn đều khước từ. Tôn giả đã chứng kiến những giọt nước mắt lăn dài trên gò má của những người phụ nữ can đảm và phi thường ấy. Ngài không thể kiềm lòng được và đã quỳ xuống để cố gắng thêm một lần nữa.
Đến lúc nghe được câu trả lời của Thế Tôn:

Này A Nan, nếu người nữ xuất gia thực hành đúng chánh Pháp thì hoàn toàn có thể chứng A La Hán không thua gì người nam.

Nỗi lòng của Tôn giả A Nan như được cởi mở, Ngài hiểu rằng Thế Tôn đã hé một cánh cửa cho nguyện vọng của người nữ. Bởi vậy mà Tôn giả mạnh dạn tiếp lời:

– Bạch Thế Tôn. Nếu như vậy, con cúi xin Thế Tôn hãy độ cho Đức bà Ba Xà Ba Đề (Maha Pajapati Gotami), Công nương Da Du Đà La (Yashodara ) cùng cả trăm cung nữ được xuất gia trong chánh Pháp của Thế Tôn.
Bạch Thế Tôn! Đức bà là Di mẫu của Thế Tôn, đã từng bồng ẵm, nuôi nấng, yêu thương Thế Tôn khi Người còn là một hài nhi mất mẹ. Còn Công nương là người hiền thê cao quý nhất trên thế gian. Chúng con đã được nghe Thế Tôn kể rằng, vô lượng kiếp Công nương đã hết lòng thủy chung, tiết hạnh, sẵn sàng hi sinh cả thân mạng để ở bên trợ giúp Thế Tôn khi Người thực hiện chí nguyện cao cả. Bởi vậy mà trong ân đức vời vợi của Thế Tôn, chúng con cũng cảm nhận được công lao trĩu nặng của những con người vĩ đại ấy.

– Bạch Thế Tôn! Chúng con hạnh phúc biết nhường nào khi được thấy chánh Pháp đang dần thắp sáng trên mọi nẻo đường, mang lại lợi ích cho vô số chúng sinh. Nhưng nếu có một người nào xứng đáng nhất để được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc trong giáo Pháp của chư Phật, thì chúng con tin rằng Thế Tôn cũng sẽ nghĩ ngay đến Đức bà và Công nương.

Bạch Thế Tôn! Chúng con đang được khoác trên mình tấm y ca sa, trong hình hài của một vị Sa môn tu hành và chúng con yêu những điều ấy còn hơn chính thân thể mình. Nhưng Đức bà và Công nương thì không thể. Có phải chăng là bởi Đức bà và Công nương là phụ nữ. Bạch Thế Tôn! Chúng con biết rằng không phải chỉ một đoàn mà rất nhiều người nữ trên khắp thế gian này cũng khao khát được xuất gia để theo chân Thế Tôn tìm cầu chân lý. Nhưng ngôi nhà thiêng liêng của giáo Pháp sẽ không chấp nhận họ, dù cho họ có đầy đủ phước báu, trí tuệ và đức hạnh… Có phải chăng chỉ bởi vì họ là phụ nữ?

Bạch Thế Tôn! Ai cũng hiểu rằng dòng giáo Pháp mà Thế Tôn giảng dạy là chân lý tuyệt đối, nhiệm màu, bình đẳng với tất cả chúng sinh không biệt giải cấp, giàu nghèo, chủng tộc… Và chúng con tin, Thế Tôn cũng sẽ cho người nữ được xuất gia, để họ được bình đẳng đón nhận niềm hạnh phúc vi diệu trong giáo Pháp của Người.

Bạch Thế Tôn! Chúng con hiểu Thế Tôn đã lo lắng, cuộc sống của một Sa môn không nhà sẽ có nhiều bất tiện, đôi khi còn tiềm tàng nguy hiểm, không phù hợp đối với tâm tình và thiên tính của người nữ. Nhưng xin Thế Tôn hãy nhìn những người phụ nữ vẫn đang kiên trì ngóng đợi ngoài kia, họ đã chấp nhận băng qua cả chặng đường dài đầy thử thách, không chút do dự để được tới thỉnh cầu Thế Tôn. Khi đến đây, những giọt sương sớm vẫn còn đọng li ti trên tấm y bằng vải thô, bụi đường còn vương đầy trên vạt áo của họ, và đôi chân thì đang rướm máu. Chúng con tin rằng, với ý chí dũng mãnh như thế, Đức bà, Công nương và những người nữ ấy sẽ vượt qua được tất cả những khó khăn để bước đi trên con đường Thánh đạo vô thượng.
Chúng con cúi xin Thế Tôn từ bi chấp nhận lời thỉnh cầu, để sự nhiệm mầu trong chánh Pháp của chư Phật soi sáng cho tất cả chúng sinh.

Thế Tôn hoan hỉ trước những tâm ý thật cảm động của Tôn giả A Nan nhưng Người cũng yêu cầu người nữ phải tuân theo “Tám Phép Cung Kính” nếu muốn xuất gia. Đoàn nữ giới vui mừng thọ nhận. Hôm sau, mọi người quỳ chỉnh tề trước sân từ sáng sớm. Trong không khí trang nghiêm, Thế Tôn ban phép xuất gia, ngay lập tức tất cả tóc của họ biến mất, y phục biến thành chiếc y ca sa màu nâu. Mọi người đều reo lên trong niềm vui sướng nghẹn ngào.

IV. TÔN GIẢ A NAN – NGƯỜI GIÁM HỘ PHÁP BẢO – ĐỆ NHẤT ĐA VĂN

Đạo Phật có ba ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng Ba ngôi Tam Bảo là ba điều quý báu, là ánh sáng vi điệu dẫn dắt chúng sinh vượt thoát vòng xoáy của luân hồi. Đảnh lễ Đức Phật, Đức Bổn Sư. Đấng Từ Bi vô hạn với trọn lòng thiết tha tôn kính là công đức lành vượt bậc trên đời. Đánh lễ chư Tăng, những vị xuất gia tu hành chân chính là nhân lành để tìm được đường đi thoát khỏi thân phận phàm phu. Và Pháp là những lời dạy của Đức Phật về chân lý Tử Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, luật Nhân quả công bằng…. Chúng sinh làm thế nào để đảnh lễ Pháp? Có một vị cư sĩ đã từng hỏi Đức Phật như vậy, Thế Tôn hoan hỉ trả lời: “Nếu muốn đảnh lễ Pháp, con hãy đến đảnh lễ A Nan, vị Giám Hộ Pháp Bảo”.

Giám hộ nghĩa là người coi sóc, bảo vệ cho chánh Pháp được trường tồn. Thật như vậy, ngay kể từ lúc chưa chính thức làm Thị giả cho Đức Phật, Tôn giả A Nan đã thực hiện hạnh nguyện là một vị giám hộ Pháp Bảo đúng nghĩa. Ngài thường đi theo Thế Tôn để được lắng nghe nhiều lời dạy bảo. Với khả năng ghi nhớ phi thường, mọi điều dù chỉ nghe qua một lần đều được Tôn giả khắc tạc trong tâm không sót một từ. Vậy là cứ mỗi buổi chiều đến, Tăng chúng lại ngồi quây quần bên Ngài để ôn lại những bài Pháp của Thế Tôn. Trong không khí vừa trang nghiêm vừa thân tình, Tôn giả A Nan tuyên đọc trước, đại chúng hòa cùng tụng lại sau. Những lời đạo lý được nhắc lại với đầy đủ ngữ nghĩa và âm điệu như lúc Thế Tôn thuyết giảng cứ thế ngân nga trong buổi chiều ấm áp.

Sau này khi được làm Thị giả thân tín ở bên cạnh Thế Tôn, Ngài lại khéo thưa hỏi Thế Tôn về giáo Pháp, luật Nhân quả, thiền định, nhân duyên của chúng sinh… để từ đó giáo Pháp của Đức Bổn Sư đã được tuyên thuyết lên với những chân lý có giá trị muôn đời.

Có đôi lần, Thế Tôn mỉm cười tạo cơ duyên mở đầu một bài Pháp thoại khi đi ngang nơi nào đó. Biết bậc Toàn Giác mỉm cười là có nguyên do, Tôn giả hiểu ý và thưa hỏi, nhiều lần khác Ngài lại chủ động hỏi thưa. Vì vậy mà đã có rất nhiều bài Pháp vi diệu mở đầu bằng những câu hỏi của Tôn giả A Nan dành cho Đức Phật.

Đức Thế Tôn đã nhiều lần tán thán Tôn giả A Nan thế này:

Trong các đệ tử Tỳ kheo biết uyên thâm giáo Pháp do được nghe nhiều lời dạy của Như Lai, đệ nhất là A Nan.
Trong các đệ tử Tỳ kheo có trí nhớ trung thực và bền lâu, đệ nhất là A Nan.
Trong các đệ tử Tỳ kheo có khả năng lãnh hội được những trình tự và liên kết chặt chẽ của các thời Pháp, đệ nhất là A Nam.

Tức là Tôn giả có khả năng ghi nhớ vô cùng nhanh và chính xác. Ngài cũng hiểu uyên thâm lời dạy của Thế Tôn và tài biện luận tài tình hợp lý. Những khi Tôn giả A Nan đang thuyết Pháp mà các vị Tỳ kheo đặt câu hỏi, Ngài sẽ nhắc lại từng từ từng đoạn trong lời dạy của Thế Tôn để giải đáp những thắc mắc ấy, rồi lại quay về bài giảng trôi chảy như chưa hề có sự gián đoạn nào. Với khả năng ấy, thậm chí dù chưa chứng A La Hán nhưng Ngài đã nhiều lần thuyết Pháp khiến các vị Tỳ kheo khác chứng được Thánh quả tuyệt đối trước Ngài.

Công hạnh xuất sắc đặc biệt của Ngài là công đức gieo trồng từ nhiều kiếp. Tôn giả luôn cố gắng hiểu chính xác và cặn kẽ từng ý nghĩa, tầm quan trọng, cũng như tất cả hàm ý sâu xa trong những lời Pháp Bảo. Cũng trong một kiếp xưa, Tôn giả khi ấy là một vị trưởng giả giàu có nhưng luôn tín tâm với Tam Bảo, thường cúng dường kinh sách và bảo trợ cho các vị Tăng sĩ cầu đạo được học hành chu đáo. Nhờ vậy mà đời này Ngài thành tựu trí tuệ phi thường. Thế Tôn khen rằng: “A Nan vẫn còn trên đường tu học để chứng đắc Thánh quả cao nhất, nhưng không dễ gì tìm được người có trí tuệ ngang bằng”.

Vị “Giám Hộ Pháp Bảo” không đơn thuần chỉ là người ghi nhớ lại những bài kinh màu nhiệm của Đức Phật mà còn gánh trên vai cả trọng trách lưu giữ những lời đạo lý ấy tồn tại mãi cho hậu thế. Điều đó được đánh dấu bởi sự kiện trọng đại: “Hội nghị kết tập kinh điển lần thứ nhất”.

Sau khi Thế Tôn nhập Niết Bàn không lâu, Tôn giả Đại Ca Diếp (Maha Kassapa) triệu tập hội đồng gồm năm trăm vị Trưởng lão với nhiệm vụ kết tập lại những lời dạy của Thế Tôn thành Kinh và Luật để bảo tồn được nguyên vẹn. Tất cả những vị Tỳ kheo được tham dự đều phải có điều kiện là đã chứng đạt Thánh quả A La Hán tối thượng.

Tôn giả A Nan khi ấy mới đang là bậc Dự Lưu. Nhưng Ngài lại là vị ghi nhớ được nhiều nhất, chính xác nhất và thâm hiểu giáo Pháp nhất. Suốt hai mươi lăm năm hầu cận Thế Tôn, Ngài đã luôn cần mẫn và tận tụy, đến mức tấm lòng của Tôn giả hướng về Thế Tôn gần như chiếm trọn tâm trí mọi lúc, vì vậy mà công phu tu tập của bản thân Ngài phải nhường sau. Thể Tôn cũng có lần tiết lộ công hạnh đặc biệt của một vị Thị giả là sẽ phải chứng A La Hán sau khi các Đức Phật đã nhập diệt. Đứng trước tình huống ấy, Trưởng lão Đại Ca Diếp ra điều kiện rằng: “Tôn giả A Nan phải chứng được A La Hán!”. Sau đó, Trưởng lão cùng các vị Tỳ kheo khác bay vào trong hang động trên núi Kỳ Xà Quật, dùng thần lực lấp cửa hang lại. Cả năm trăm vị ngồi nhập định bất động để chờ Tôn giả.

Đêm đó, Tôn giả A Nan nỗ lực ráo riết để tu tập. Ngài hết tinh tấn tọa thiền rồi lại đi kinh hành liên tục suốt đêm. Lòng thương kính với Thế Tôn cứ dạt dào dâng ngập tâm hồn không cho phép Tôn giả lơi lỏng bất kỳ một sát na nào. Đến rạng sáng, khi cơ thể đã quá mệt Ngài mới toan ngả lưng nằm nghỉ. Ngay khoảnh khắc vừa nghiêng mình, đầu chưa chạm tay gối, Tôn giả hoát nhiên bừng ngộ, hào quang trí tuệ sáng rực rỡ xóa tan màn đêm vô minh, Ngài đắc thành đạo quả A La Hán tối thượng.

Hôm sau, Tôn giả đĩnh đạc đi xuyên qua vách núi vào ngồi vị trí của mình trong hang động. Ngài trùng tuyên lại lời dạy của Thế Tôn, kể lại chi tiết nguyên do, tình huống của các bài Kinh ấy trong suốt mấy chục năm không sót một từ, dõng dạc và trọn vẹn ý nghĩa. Khung cảnh lúc bấy giờ thật thiêng liêng và xúc động, giọng của Ngài vang rền trong hang động, vang mãi…

V. KẾT LUẬN VỀ TÔN GIẢ A NAN

Cả cuộc đời thánh thiện mang lại lợi lạc cho chúng sinh, mỗi một phút giây hiện diện của Tôn giả A Nan đều là bài học vô giá cho hậu thế noi theo.

Từ cách Ngài ân cần, tận tụy chăm sóc Thế Tôn đến lòng bị mẫn luôn quan tâm, bao dung tất cả chúng sinh không một ngoại trừ, không một giới hạn. Đến tận những tháng năm cuối cùng khi Thế Tôn đã tuyên bố nhập Niết Bàn, Tôn giả vẫn trung tín ở bên cạnh Thế Tôn như bóng với hình, vẫn cố gắng thưa hỏi những điều khó hiểu trong giáo Pháp để chúng sinh được lợi ích. Giây phút Thế Tôn ngự trên tòa nói những lời cuối cùng, vẫn là Ngài quỳ sát bên, đem trọn tâm hồn để lắng nghe dù hai hàng lệ đã nhòa trên gương mặt.
Tương truyền rằng, Tôn giả A Nan còn là vị Tổ thứ hai của Thiền Tông, một nhánh phát triển của Phật giáo đã góp vào những nét vẽ tâm linh cao cả cho nền văn hóa của nhân loại với hàng trăm vị Thiền sư đắc Pháp, hàng nghìn giai thoại và đạo lý độc đáo, cao thượng.

Nếu có dịp đến thăm những ngôi cổ tự trên quê hương thân yêu, chúng ta sẽ được chiêm bái ngôi Tam Bảo vô cùng trang nghiêm với Đức Bổn Sư Thích Ca tọa ở giữa, bên phải là Trưởng lão Đại Ca Diếp và bên trái chính là hình ảnh của Tôn giả A Nan vẫn đang mỉm cười, cầm cuốn kinh trên tay, nhu thuận lắng nghe những lời dạy bảo của Thế Tôn.

Không có những công hạnh vĩ đại của Tôn giả A Nan, chúng ta không hình dung được Phật giáo ngày nay ra sao. Mỗi khi cầm trang kinh lên tụng đọc, hương thơm đức hạnh của Ngài lại bung tỏa ngạt ngào thanh khiết. Tên của Ngài lấp lánh trong sử Phật, lời của Ngài làm đẹp trang kinh, để mãi mãi về sau những câu tụng thiêng liêng sẽ còn được ngân nga trong mái chùa thân thương:
“Tôi từng nghe kể như vậy, một thời…”

VII. THƠ TỤNG VỀ TÔN GIẢ A NAN
Kính lạy Tôn giả A Nan
Người trao Pháp Bảo cho ngàn đời sau
Đa văn, trí tuệ nhiệm màu
Tấm lòng cao rộng như bầu trời xanh
Tận tâm Thị giả trung thành
Chăm nom chu đáo, an lành Như Lai
Hạnh Ngài như nắng sớm mai
Chúng con nguyện sẽ đường dài bước theo Dẫu cho vách núi cheo leo
Hay là vực thẳm, băng đèo, lội sông
Con xin giữ vững một lòng
Kính tin Tam Bảo bão giông chẳng sờn
Sống trong hiếu hạnh biết ơn
Gửi tình thương trải rộng hơn đất trời
Mây bay trên những đỉnh đồi
Còn con bèo bọt lạc trôi giữa dòng
Nên con chỉ nguyện ước mong
Giữ mình khiêm hạ để lòng bình an
Cuộc đời nắng sớm sương tan
Ai nào biết được ngày tàn xác thân
Thế nên từng phút tinh cần
Gieo trồng công đức báo ân sâu dày
Chuyên tâm thiền định đêm ngày
Phá tan chấp ngã bủa vây tâm hồn
Điểm tô thế giới đẹp hơn
Muôn người tay chắp hương thơm Phật đài…
Nam Mô A Nan Tôn Giả (3 lần)


Tổng số đánh giá: 0

Xếp hạng: 5 / 5 sao

Cùng chủ đề