Truyền Thuyết Tam Sinh Thạch

  • Thời gian

    18 thg 9, 2023

  • Lượt xem

    808 lượt xem


Theo truyền thuyết, mỗi người đều có tên trên hòn tam sinh thạch của riêng mình. Sau khi chết, con người sẽ được đầu thai, trong...

1151-truyen-thuyet-tam-sinh-thach

Sau khi một người chết đi, phải đi qua đường Hoàng Tuyền, đến cầu Nại Hà, sẽ nhìn thấy Tam Sinh Thạch.

Bên cầu Nại Hà, uống chén canh Mạnh Bà, quên đi hồng trần, luân hồi chuyển kiếp. Tương truyền, tam sinh thạch có thể phản chiếu diện mạo kiếp trước của một người. Nhân quả kiếp trước, nhân quả kiếp này, túc mệnh luân hồi, duyên khởi duyên diệt, đều được khắc trên tam sinh thạch.

Trong hàng ngàn năm, nó đã chứng kiến ​​đau khổ và hạnh phúc, nỗi buồn và niềm vui, tiếng cười và nước mắt của tất cả chúng sinh. 

Tam Sinh Thạch luôn là một hòn đá rất nổi tiếng trong truyền thuyết Trung Hoa, người ta cho rằng đó là viên đá còn lại của Nữ Oa sau khi vá trời. Nữ Oa đã đem nó đến Hoàng Tuyền, phụ trách luân hồi ba đời. Khi hòn đá đứng thẳng, sức mạnh thần thánh của nó tỏa sáng khắp thế gian. Sau này người Trung Quốc phát triển niềm tin vào cuộc sống và thế hệ tương lai.

Và Tam Sinh Thạch còn có một điển cố khác

Lý Nguyên, một ẩn sĩ vào thời nhà Đường, ngụ tại chùa Huệ Lâm. Ông kết bạn với trụ trì Viên Quan, trở thành bạn tri âm.

Hai người hẹn nhau đi thăm núi Nga Mi ở Tứ Xuyên, và lên lộ trình rằng họ sẽ đi từ Trường An về phía bắc và đến Tứ Xuyên bằng đường bộ. Trước sự nài nỉ của Lý Nguyên, cả hai tiến vào Tứ Xuyên bằng đường thủy.

Trên đường đi, tại một bờ sông, họ gặp một người phụ nữ mang thai đã 3 năm

Viên Quan đã khóc khi nhìn thấy người phụ nữ này, nói rằng đó là lý do mà ông không muốn đi đường thủy, vì ông đã định sẵn là con của người phụ nữ này, và ông không thể tránh khỏi số kiếp khi gặp người phụ nữ này. Cô ấy mang thai đã ba năm mà vẫn chưa sinh nở, chính là vì chờ tôi đầu thai.

Viên Quan và Lý Nguyên ước hẹn kiếp sau sẽ gặp nhau tại Hàng Châu

Viên Quan lại nói: “Mong ông giúp tôi tụng kinh để tôi mau được đầu thai. Ông cho thuyền dừng lại vài ngày rồi chôn tôi dưới chân núi. Sau ba ngày đứa trẻ ra đời thì ông đến nhà họ Vương hỏi thăm, nếu như đứa trẻ vừa gặp ông đã cười tức là nó có quen biết ông. Đêm đó đứa trẻ ấy cũng sẽ chết đi. Mười hai năm sau, vào đêm trung thu, ở chùa Thiên Trúc tại Hàng Châu, chúng ta sẽ gặp lại nhau”.

Lý Nguyên lúc này vô cùng hối hận vì đã khăng khăng lựa chọn con đường này. Trong lòng ông cảm thấy cực kỳ bi thương. Thế rồi, ông dặn dò người phụ nữ kia chuẩn bị chu đáo cho ngày sinh nở. Còn Viên Quan thì đi tắm gội sạch sẽ rồi thay đồ mới, đêm hôm đó vừa lúc Viên Quan tọa hóa thì người phụ nữ kia cũng hạ sinh một bé trai. Ba ngày sau, Lý Nguyên liền tới thăm hài nhi mới sinh, quả nhiên đứa trẻ vừa nhìn thấy ông đã nở nụ cười. Đêm hôm đó, đứa trẻ cũng qua đời. Lý Nguyên bèn đem câu chuyện kể lại với người phụ nữ họ Vương và chôn cất đứa trẻ.

Mười hai năm sau, vào ngày trung thu, Lý Nguyên tới chùa Thiên Trúc ở Hàng Châu như Viên Quan đã hẹn năm xưa. Đang không biết tìm bóng dáng Viên Quan ở đâu, Lý Nguyên nhìn thấy trên bãi cát bên bờ sông có một chú bé cưỡi trâu (mục đồng) ngâm khúc “trúc chi từ”, cưỡi trâu vừa đi vừa gõ vào sừng trâu, khi đến trước chùa Thiên Trúc thì nhận ra chính là Viên Quan.

Lý Nguyên chào nói: “Viên Quan, anh có khỏe không?”

Mục đồng trả lời: “Anh đúng là người biết giữ chữ tín ước hẹn. Bây giờ chúng ta đi con đường khác nhau, không nên gần nhau nữa. Duyên kiếp của anh vẫn chưa tận, nên hy vọng rằng anh sẽ cố gắng tu hành, nếu có thể cố gắng tận lực tu hành, chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau thôi”.

Lý Nguyên vì không thể tiếp tục làm bạn với Viên Quan như những tháng ngày trước đây được nữa, nên đành bất lực nhìn theo Viên Quan mà lã chã rơi lệ.

Viên Quan vừa cưỡi trâu đi vừa ngâm nga bài “trúc chi từ”. Dù cho núi non trùng điệp, sông nước mênh mông nhưng vẫn có thể nghe được giai điệu ngân nga. Khi ông đến trước chùa thì nghe ca là: “Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn, thưởng nguyệt ngâm phong bất yếu luận. Tàm quý tình nhân viễn tương phóng, thử thân tuy dị tính trường tồn.” (Tạm dịch: Tôi chính là linh hồn thực sự của Đá Ba Đời, tôi không còn muốn nói chuyện ngắm trăng, ngâm thơ, đàm luận gì nữa. Thật vui khi người bạn thân thương từ xa đến thăm viếng. Thân xác thịt của tôi tuy đã đổi khác nhưng tôi vẫn là tôi.)

Khi rời chùa thì lại nghe thấy lời ca là: “Thân tiền thân hậu sự mang mang, dục thoại nhân duyên khủng đoạn tràng. Ngô Việt khê sơn tầm kỷ biến, khước tầm yên trạo thượng cù đường.” (Tạm dịch: Chuyện kiếp trước và kiếp sau thật là mờ mịt. Muốn nói hết nhân duyên nhưng sợ đau buồn đứt ruột đứt gan. Tôi đã tìm khắp non sông Ngô và Việt, nhưng cuối cùng lại khua chèo trở lại Cù Đường – một ngọn đèo ở Tam Hiệp).

“Tam Sinh Thạch” chính là có nguồn gốc từ trong câu “Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn” mà Viên Quan ca, dựa theo nhân duyên giữa Lý Nguyên và Viên Quan bao gồm Viên Quan, đứa trẻ sơ sinh, đứa trẻ cưỡi trâu (mục đồng), vừa đúng là ba đời. Vì thế, người đời sau gọi tảng đá lớn ở bên sông chỗ hai người gặp nhau khi xưa là “Tam Sinh Thạch” (Đá Ba Đời). Và từ đó, Tam Sinh Thạch cũng được dùng để ẩn dụ nhân duyên tiền định.

Bản chất của câu chuyện là huyễn hoặc, nhưng truyền thuyết về Tam Sinh Thạch thực sự phản ánh quan điểm của người Trung Hoa về sự vĩnh hằng và bất tử của cuộc sống, thông qua khái niệm luân hồi và chuyển thế. 

Người ta thường nói "Duyên Định Tam Sinh"

Trong "Tam Sinh Thạch", có thể khắc tên của hai người, và hy vọng rằng sau khi luân hồi, hai người sẽ gặp lại và yêu nhau, và tiếp tục tình yêu của họ qua ba kiếp.

 


Tổng số đánh giá: 0

Xếp hạng: 5 / 5 sao